Hòa giải tại tòa khiến mỗi cá nhân trở nên hiền hòa, bao dung hơn!
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sáng 26/11, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án khiến mỗi cá nhân trở nên hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn.
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cho rằng, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, người Việt Nam quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” vì thế việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa giải phù hợp với đạo đức, phong tục tập quán của người Việt. Với kinh nghiệm tham gia hòa giải cơ sở, đại biểu cũng cho rằng, phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án khiến mỗi cá nhân trở nên hiền hòa, nhân hậu và bao dung hơn.
Về tên gọi của dự án Luật, có ý kiến cho rằng, nên sửa tên gọi của dự thảo Luật theo hướng "dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án trước tố tụng" cho rõ nghĩa. Tuy nhiên, bày tỏ tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ, ĐBQH Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) cho rằng, nội hàm tên gọi của dự án Luật đã được giải thích tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật.
Cụ thể, hòa giải tại tòa án là hoạt động hòa giải do hòa giải viên thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này; đối thoại tại tòa án là hoạt động đối thoại do hòa giải viên thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này. Đại biểu cho rằng, tên gọi như vậy sẽ không gây trùng lặp, mâu thuẫn, thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có.
Nêu quan điểm về tổ chức thực thi hòa giải, đối thoại tại tòa án, đại biểu Phạm Thành Tâm cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ cấu, số lượng trong việc thành lập lực thực thi công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án theo từng cấp, gây khó khăn cho triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định tổ chức công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án ở các cấp. Về số lượng cụ thể cần quy định phù hợp ở từng cấp, theo đại biểu, nhằm khuyến khích các bên tham gia hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa, dự thảo Luật không nên quy định số lượng tối đa mà chỉ nên quy định số lượng tối thiểu hòa giải viên.