Hòa giải viên với 16 năm kinh nghiệm
Hà Nội hiện có khoảng trên 35 nghìn hòa giải viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có không ít hòa giải viên tiêu biểu, với uy tín và kinh nghiệm của mình, họ đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Thị Tùng (71 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải địa dân cư 13 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội) là một điển hình.
Gương sáng hòa giải viên
Bà Tùng chia sẻ, địa bàn dân cư số 13 là địa bàn tái định cư nên trình độ học vấn và điều kiện kinh tế cả cư dân không đồng đều, điều đó dẫn đến sự hiểu biết của người dân cũng có sự chênh lệch, chính vì lẽ đó nên dễ phát sinh nhiều loại mâu thuẫn.
Theo bà Tùng, với một địa bàn dân cư như nơi bà sinh sống thì việc giữ vững tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn là điều vô cùng quan trọng. “Cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng”, bà Tùng nhấn mạnh.
Bà Tùng cho biết, trong 16 năm (từ năm 2007 đến nay) tham gia công tác hòa giải, bà Tùng luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tốt với cảnh sát khu vực, các chi hội đoàn thể và nhân dân trên địa bàn dân cư để nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để giải quyết ngay tại cơ sở. Do đó, bà Tùng cùng với các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình, bà Tùng cho biết, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải.
Khi tiếp nhận vụ việc mâu thuẫn, tôi sẽ cùng các hòa giải viên nghiên cứu ký bản chất của vụ việc, sau đó sẽ thu thập, xác minh và đối chiếu thông tin. Chúng tôi thường tìm ra mấu chốt của vụ việc để giải quyết, khi “nút thắt”được gỡ thì vụ việc chắc chắn sẽ hòa giải thành”, bà Tùng chia sẻ.
Bà Tùng cho hay, khi tiếp nhận vụ việc, các hòa giải viên sẽ gặp riêng các bên để trò chuyện. Dựa trên cơ sở tình cảm và đạo lý, các thành viên trong tổ hòa giải đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục các bên nhằm thỏa mãn ý chí nguyện vọng của các bên, đi đến thống nhất, hòa hợp, không còn mẫu thuẫn.
“Hòa giải viên cần sự kiên trì, nhiệt tình và đặc biệt là phải gần dân thì mới giải quyết kịp thời những thắc mắc, những tranh chấp. Quan trọng nhất khi làm hòa giải là những thành viên trong tổ hòa giải nhất là tổ trưởng phải sống trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các văn bản pháp luật áp dụng vào công tác hòa giải”, bà Tùng tâm niệm.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tùng, tổ hòa giải phải luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy Chi bộ, các bộ phận chuyên môn của phường như địa chính, tư pháp, vụ việc nào khó, nhận định tình hình không ổn, cần sớm đề nghị sự giúp đỡ cán bộ UBND phường và cảnh sát khu vực tham dự hòa giải cùng. Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viên tổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Tham gia công tác hòa giải cơ sở từ năm 2007 đến nay, hiện với chức vụ Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải, ở vị trí nào, bà Nguyễn Thị Tùng cũng mang hết trách nhiệm và lòng nhiệt tình tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân, cán bộ đảng viên của tổ đã tín nhiệm giao. Những cống hiến của bà Nguyễn Thị Tùng đã góp phần vào việc ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự trị an tại địa bàn dân cư 13 nói riêng và phường Vĩnh Phúc nói chung”.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hoa-giai-vien-voi-16-nam-kinh-nghiem-328006.html