Hòa mình vào những lễ hội mùa thu trên thế giới

Vào mùa thu, ở nhiều quốc gia trên thế giới diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, ấn tượng. Đến với nhiều địa điểm trên khắp thế giới, du khách có cơ hội hòa vào không khí các lễ hội địa phương để trải nghiệm, thưởng lãm.

Lễ hội Xếp tháp người ở Tây Ban Nha thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến trải nghiệm. (Nguồn: Internet)

Lễ hội Xếp tháp người ở Tây Ban Nha thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến trải nghiệm. (Nguồn: Internet)

Châu Á - không chỉ có Trung thu...

Ở châu Á, vào mùa thu, bên cạnh Lễ hội Trung thu được nhiều quốc gia tổ chức, thì còn có các lễ hội cổ khác cũng không kém phần thu hút. Ví dụ như Loy Krathong - lễ hội cổ và lung linh nhất của đất nước Thái Lan.

Loy Krathong được mệnh danh là một trong những lễ hội mùa thu ngoạn mục nhất của người dân Thái Lan. Lễ hội diễn ra vào đêm rằm tháng 12 âm lịch của người Thái (vào khoảng tháng 11 dương lịch). Mặc dù lễ hội được tổ chức trên khắp Thái Lan, những màn trình diễn thả đèn trời đặc biệt nhất diễn ra ở Chiang Mai. Sukhothai - thị trấn với cái tên mang nghĩa “Bình minh của hạnh phúc” có từ thế kỉ 13 tổ chức lễ hội này tại khu đền cổ Công viên lịch sử Sukhothai được UNESCO công nhận di sản thế giới.

Những cuộc diễu hành có trống chiêng, những màn bắn pháo hoa rực rỡ, các tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống, những màn biểu diễn kể lại lịch sử Sukhothai… khiến 5 ngày hội Loy Krathong của Vương quốc Thái Lan trở nên đa sắc, lung linh và vui tươi. Trong lễ hội, những người con của xứ chùa vàng sẽ thả krathong (đèn hoa đăng) trên các con sông và thả khomloi (đèn giấy) lên trời đêm trong tiếng thầm thì của những người cầu nguyện.

Loy Krathong - lễ hội cổ và lung linh nhất của đất nước Thái Lan. (Nguồn: Internet)

Loy Krathong - lễ hội cổ và lung linh nhất của đất nước Thái Lan. (Nguồn: Internet)

Tại Ấn Độ, Lễ hội Diwali đã đi vào nhiều chuyên trang du lịch trên thế giới. Diwali (hay Deepwali) là một lễ hội ánh sáng có nguồn gốc từ Ấn Độ, được tổ chức trong 5 ngày vào tháng 10 hay tháng 11, tùy chu kì của mặt trăng. Đây là chuỗi lễ hội truyền thống lớn nhất của người Ấn Độ theo đạo Hindu, đạo Sikh, đạo Jain và một số phật tử.

Đối với người theo từng nhóm tôn giáo, Diwali cũng mang ý nghĩa không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung về cách kỷ niệm dịp này của họ là đều có bữa ăn gia đình, pháo hoa, ánh sáng và rất nhiều món ngọt. Đồ trang trí Diwali điển hình bao gồm hoa cắm công phu và đèn lồng bằng đất sét.

Đặc trưng của Lễ hội Ấn Độ là những điệu múa truyền thống Ấn Độ mê hoặc lòng người, với bài hát nổi tiếng Bollywood và cả những tiết mục xiếc đặc sắc. Vui hơn trong không khí nhộn nhịp là khi mọi người được thưởng thức các món đặc sản truyền thống của người Ấn Độ như cà ri dê hay cánh gà tẩm ướp. Vào dịp lễ Diwali, người ta thường thưởng thức những món ăn truyền thống của Ấn Độ.

Trong ánh sáng rực rỡ, lung linh huyền ảo, trong không khí vui nhộn của ca hát nhảy múa, làm cho con người gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và khoan dung hơn. Vì vậy, Lễ hội ánh sáng Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ rũ bỏ hiềm khích, tha thứ cho người khác, để mình được sống vui vẻ, thanh thản hơn...

Châu Âu - những lễ hội mạnh mẽ và vui vẻ

Sao lại nói lễ hội “mạnh mẽ”, bởi đó chính là Lễ hội La Merce ở Tây Ban Nha hay còn gọi là Lễ hội xếp tháp người. Cứ vào dịp cuối tháng 9 hàng năm tại Barcelona, Tây Ban Nha, người dân bản địa cùng du khách thập phương lại háo hức tham gia vào Lễ hội La Merce - lễ hội đường phố lớn nhất trong năm tại thành phố này. Bắt nguồn từ thời Trung cổ, lễ hội được tổ chức với các cuộc diễu hành đường phố, nhạc sống, pháo hoa và xây tháp người là một truyền thống độc đáo nổi bật.

La Merce hay còn gọi là Lễ hội xếp tháp người có truyền thống từ thế kỷ 18 tại thị trấn Valls, Tarragona, nơi nhiều nhóm “xây thành trì” cạnh tranh nhau để dựng được những tháp người tuyệt nhất. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên nhằm mục đích tôn vinh vị thánh bảo vệ thành phố - người đã có công lớn trong việc bảo vệ người dân trải qua đại dịch ở châu Âu vào thế kỷ 17.

Theo thời gian, Lễ hội La Merce vẫn được bảo tồn và thu hút rất nhiều khách du lịch đến Tây Ban Nha. Theo thường lệ, tất cả mọi người đều tập trung tại quảng trường Sant Jaume, vây quanh các nhóm “xếp tháp” là hàng nghìn khán giả. Các công trình được “xây” bởi các diễn viên cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, để tranh chức vô địch; xem tháp nào cao nhất, đẹp nhất. Có tháp cao đến cả chục tầng người, đòi hỏi “chất liệu người” phải có sức khỏe, lòng dũng cảm, sự khéo léo, tinh thần đồng đội, phân công hợp lý, dưới sự chỉ huy của “tổng công trình sư”.

Khi “xếp tháp”, phải tính toán kỹ lưỡng, chính xác để đảm bảo an toàn. Thông thường những thành viên có sức khỏe và to béo sẽ đứng ở dưới tầng thấp và những người nhanh nhẹn hơn sẽ xếp ở tầng cao hơn. Người nhẹ nhất sẽ được đứng lên đỉnh tháp. Người cuối cùng leo lên đỉnh tháp phải giơ tay lên vẫy chào công chúng. Đây chính là điểm nổi bật của sự kiện, vì chỉ sau đó thành trì mới được công nhận. Tuy nhiên, đối với những thành trì xếp cao đến 8 - 9 tầng, việc dựng tháp là một chuyện, khi hạ xuống cũng phải rất khéo léo để tránh xảy ra tai nạn.

Còn lễ hội “vui vẻ” thì có lẽ không gì hơn được Lễ hội bia Oktoberfest, Đức, khi người ta uống bia và tán gẫu. Lễ hội Oktoberfest được tổ chức tại München, Đức là lễ hội bia lớn nhất thế giới với số lượng trên 6 triệu người tham gia mỗi năm. Du khách đến nơi đây sẽ được đắm chìm trong không khí lễ hội cuồng nhiệt, thưởng thức những món ăn truyền thống và nhâm nhi từng ly bia với hương vị đặc trưng của vùng đất này. Sau gần 2 thế kỷ, Lễ hội Oktoberfest vẫn đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và mang lại cho thành phố hàng tỷ Euro.

Lễ hội Fiesta del Pilar, Tây Ban Nha là lễ hội kết hợp cả “sức mạnh và vui vẻ” khi tại thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha hàng năm lễ hội diễn ra nhằm tôn vinh đức mẹ Mary. Sự kiện tôn giáo kết hợp với nghệ thuật diễn ra vào tháng 10 trong tuần có ngày 12 và thường kéo dài 10 ngày này bao gồm các hoạt động thú vị như: triển lãm tranh, đấu bò tót, las vaquillas (đấu bò tót của những người không chuyên), lễ hội bia và các màn trình diễn âm nhạc thâu đêm suốt sáng...

Châu Mỹ - có lễ hội không dành cho người yếu tim

Đó là Lễ hội người chết - Mexico. Với những ai là fan hâm mộ của bộ phim hoạt hình nổi tiếng Coco đã từng đoạt giải Oscar thì sẽ không lạ gì lễ hội này. Lễ hội người chết là lễ hội lâu đời nhất ở Mexico với lịch sử khoảng 3.000 năm. Đây là lễ hội mùa thu được tổ chức hàng năm vào ngày 1 - 2/11, được coi là ngày lễ quốc gia của Mexico. Năm 2008, “Lễ hội người chết” ở Mexico đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Lễ hội người chết” là lễ hội lâu đời nhất ở Mexico với lịch sử khoảng 3.000 năm. (Nguồn: Internet)

“Lễ hội người chết” là lễ hội lâu đời nhất ở Mexico với lịch sử khoảng 3.000 năm. (Nguồn: Internet)

Đối với người Mexico, ý nghĩa của lễ hội người chết là để bày tỏ sự kính trọng và tưởng nhớ đến những người thân đã khuất. Các gia đình đến nghĩa trang địa phương để tổ chức các buổi cầu nguyện dưới ánh nến và lập bàn thờ tại nhà để đón những người thân đã khuất trở về. Người Mexico tin rằng cái chết chỉ là một giai đoạn trong sự liên tục vô biên của cuộc đời, họ tồn tại ở một thế giới khác, trong ký ức của người ở lại và chỉ khi những người trên trần gian quên hết ký ức về họ, họ mới thực sự tan vào vũ trụ. Chính vì vậy, sau vụ thu hoạch ngô, người dân Mexico tổ chức “Lễ hội người chết” với niềm tin rằng vào đêm 31/10 cánh cửa nối liền hai cõi sẽ được mở, người đã khuất có thể quay trở lại trần gian gặp người thân vào ngày 1 và 2 tháng 11.

Vào “Ngày của người chết”, các gia đình sẽ quây quần trong đêm tại các nghĩa trang, thắp nến và đặt hoa, chủ yếu là cúc vạn thọ trên các ngôi mộ với niềm tin cúc vạn thọ có màu sắc rực rỡ và mùi hăng sẽ dẫn đường cho các linh hồn. Hàng trăm ngọn nến được thắp lên để vinh danh người quá cố tạo cho nghĩa trang một cảnh tượng rực rỡ. Sau đó mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức đồ ăn, trò chuyện vui vẻ hoặc chơi nhạc, nhảy múa... Đồ ăn phổ biến là rượu tequila, rượu mezcal - hai loại rượu truyền thống của Mexico, chocolate nóng và các loại bánh mì, kẹo có hình dạng đầu lâu...

Nếu được đến thăm Mexico vào đúng “Lễ hội người chết”, du khách sẽ được hiểu sâu sắc hơn về văn hóa nơi đây bởi sự kiện này thực sự là một tập hợp các truyền thống và biểu tượng của đất nước Mexico. Vào thời gian diễn ra lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến sự bùng nổ sắc màu, các cuộc diễu hành và tiệc tùng trên đường phố. Các cuộc diễu hành rực rỡ được tổ chức với hàng ngàn người hóa trang theo phong cách La Catrina - bộ xương nữ trang điểm cầu kỳ, đội chiếc mũ lạ mắt có lông, một trong những biểu tượng mạnh mẽ và dễ nhận biết nhất trong “Lễ hội người chết”.

Mexico không phải là đất nước duy nhất có phong tục này. Nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác như Columbia, Ecuador, Honduras, El Salvador, Nicaragua, Peru, Venezuela... đều có cách riêng để chào đón những người thân đã qua đời. Truyền thống và phong tục có thể khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng tín ngưỡng cơ bản vẫn giống nhau.

Tương tự như “Lễ hội người chết”, Lễ hội Halloween truyền thống được tổ chức vào đêm 31/10 mỗi năm cũng là một lễ hội mang ý nghĩa như vậy. Hiện nay lễ hội đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và được giới trẻ đón nhận nhiệt liệt. Đây là ngày hội vui nhất trong năm với trẻ em ở Mỹ, châu Âu. Trước đó, mỗi gia đình thường trang trí nhà cửa bằng những lồng đèn bí ngô. Trong ngày Halloween, trẻ em sẽ mặc các trang phục kỳ lạ và đến gõ cửa từng nhà để xin bánh kẹo. Hoặc nhà ma cũng là địa điểm hấp dẫn nhiều người ghé thăm...

MINH MINH (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoa-minh-vao-nhung-le-hoi-mua-thu-tren-the-gioi-post490009.html