Hòa nhạc của những đồng cảm, yêu thương!

Dù có quy mô nhỏ và do một câu lạc bộ âm nhạc cổ điển của trường đại học tổ chức, song chương trình hòa nhạc 'Nắng hoàng hôn' vẫn cuốn hút khán giả.

Nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu (trái) và nghệ sĩ violin Hoàng Hồ Khánh Vân cùng hòa tấu. Ảnh: Bình Thanh

Nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu (trái) và nghệ sĩ violin Hoàng Hồ Khánh Vân cùng hòa tấu. Ảnh: Bình Thanh

Dù có quy mô nhỏ nhắn và do một câu lạc bộ âm nhạc cổ điển của trường đại học tổ chức song chương trình hòa nhạc “Nắng hoàng hôn” vẫn cuốn hút khán giả và để lại bao dư âm đặc biệt. Cũng bởi, đây là buổi hòa nhạc của những đồng cảm, yêu thương để cùng lan tỏa việc tử tế tới cộng đồng.

Từ hành trình cảm xúc…

Khán phòng với hơn 700 chỗ của Hội trường A2 (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chật kín từ sớm. Tất cả cùng tĩnh lặng thả hồn vào những bản nhạc cổ điển vang lên trong tiếng dương cầm, vĩ cầm do nghệ sĩ Hoàng Hồ Thu, Hoàng Hồ Khánh Vân và các bạn trẻ đam mê âm nhạc cổ điển thuộc Câu lạc bộ Âm nhạc Cổ điển Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU Philharmonic) trình diễn. Hòa cùng đó là những bức tranh chuyển đổi màu sắc, hình tượng theo từng cung bậc của giai điệu, cảm xúc…

“Chương trình hòa nhạc từ thiện “Nắng hoàng hôn” không chỉ diễn ra duy nhất một lần mà trong năm sau và nhiều năm sau nữa sẽ tiếp tục được tổ chức để có thể lan tỏa tình yêu thương, những điều tử tế từ lòng trắc ẩn và những điều thiện lành tới nhiều người hơn nữa”. Chị Hồ Hoàng Lan, con gái tác giả Hồ Hồng Việt

Khúc dạo đầu bằng bản “Ce qu’a vu le vent d’ouest” (Prelude Book 1 No.7) của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp - Claude Debussy - được nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu thể hiện. Những ngón tay thoăn thoắt trên các phím đàn. Thân hình nghệ sĩ chuyển động cùng bộc lộ cảm xúc chất chứa âu lo về một dự cảm của những bão giông đang đến rất gần… Và tiếng dương cầm vút lên từ đó để mỗi người như nghe thấy những rít gào của gió, có thể hình dung về sóng biển gầm réo dưới bầu trời u ám không ngừng vần vũ…

Nữ nghệ sĩ tiếp tục phiêu trên những phím đàn khi chơi bản trích trong tác phẩm “Eight Improvisation on Hungarian Peasant Songs” của nhà soạn nhạc tài danh Hungary - Besla Bartók. Khi đó, rót vào lòng mỗi người là những âm thanh trầm mặc mà xáo động trong cảm xúc dường như đang mất phương hướng vì sự vô vọng, hoài nghi…

“Tất cả cảm giác cô đơn, hoang mang, tuyệt vọng không hề dễ chịu với những người bỗng một ngày nhận tin mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh nhân chạy thận. Đó là những điều không thể tránh khỏi khi ta biết giờ đây cuộc sống của mình không còn như xưa”, ngừng tiếng đàn, nghệ sĩ Hoàng Hồ Thu chia sẻ rồi kết nối cho những giai âm vĩ cầm mà nghệ sĩ Hoàng Hồ Khánh Vân nối tiếp: “Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, tinh thần kiên cường cũng như sức mạnh nội tâm của họ thực sự phi thường rất đáng khâm phục. Trong tác phẩm tiếp theo, khán giả sẽ được nghe những tác phẩm bộc lộ một tinh thần quật cường như thế”.

Quả vậy, qua bản “Chaconne” từ “Partita for Solo Violin No. 2 in D minor, BWV 1004” của nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach, Hoàng Hồ Khánh Vân là nhịp cầu kết nối của cảm xúc, đi từ những chông chênh, buồn bã sang bến bờ của sự đối diện, hy vọng.

Dù có thể là một tác phẩm mang biểu tượng của tâm linh với 3 phần tượng trưng cho sự đau khổ, hy vọng và chấp nhận; hay một số người cho rằng là lời tưởng niệm của nhạc sĩ dành cho người vợ đầu Maria Barbara, thì “Chaconne” luôn là tác phẩm chứa đựng cảm xúc sâu sắc và phức tạp.

Đặc biệt, khi hai nghệ sĩ cùng hòa thanh trong bản concerto “Butterfly Lovers” của nhà soạn nhạc He Zhanhao thì trang mới của cảm xúc được lật. Đó là giai điệu trữ tình, da diết kể về một tình yêu đẹp, sâu sắc mà với người phương Đông thì được ví như chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, còn phương Tây là Romeo – Juliet.

Song, vượt lên câu chuyện tình yêu đôi lứa ấy chính là sự lay thức tình yêu giữa con người với con người, đó là truyền thống đùm bọc sẻ chia, lá lành đùm lá rách – điều mà các nghệ sĩ muốn bằng âm nhạc có thể gợi mở cho mỗi người khi tới với “Nắng hoàng hôn”.

Phần trình diễn của hai nghệ sĩ cùng đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được khép lại bằng bản hòa tấu kiệt tác “Violin Sonata in A major No. 1, Op. 13” của nhà soạn nhạc Pháp - Gabriel Fauré và bản nhạc “Merry Christmas, Mr. Lawrence” được nhạc sĩ Ryuiki Sakamoto sáng tác cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nagisa Oshima.

Từ những giai âm tuyệt đẹp khi lắng sâu, lúc sôi nổi đó, người nghe như thấy hiển hiện khung trời ngập tràn ánh sáng, căng đầy sức sống cùng hy vọng vào một tương lai. Ở đó, bao mầm cây đang bật lên, ngẩng cao đầu đón ánh mặt trời, như sự đồng cảm của nghệ sĩ Hoàng Hồ Khánh Vân: “Quy luật bất biến của tự nhiên, sau màn đêm đen tối bình minh sẽ tới; sau mùa Đông giá rét ta lại thấy Xuân; sau mưa bão dữ dội là trời quang mây tạnh…”.

Và, thật thú vị khi niềm tin yêu vào cuộc sống của các nghệ sĩ được các bạn trẻ của NEU Philharmonic nối tiếp với hai bản hòa tấu: “Gavotte” từ “Five Pieces for Two Violins and Piano” của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga – Dmitri Shostakovich là hòa âm của piano (Trần Tuấn Thành), violin (Lê Tuấn Kiệt) và clarinet (Hoàng Thái Sơn).

“Galop-marche” đầy độc đáo vì được nhà soạn nhạc người Pháp Albert Lavignac viết cho 8 tay piano chơi cùng lúc trên một cây đàn cũng được trình diễn ở đây song là phiên bản viết lại cho 6 tay với sự tham gia của Nguyễn Phương Liên, Nguyễn Phạm Hà Anh và Đinh Kiến Quốc. Cả hai bản hòa tấu này đều có tiết tấu nhanh, sôi nổi mà vẫn không kém phần duyên dáng, tinh tế đem đến cảm xúc vui tươi, hân hoan…

 Khán giả check in tham dự chương trình hòa nhạc 'Nắng hoàng hôn'. Ảnh: Bình Thanh

Khán giả check in tham dự chương trình hòa nhạc 'Nắng hoàng hôn'. Ảnh: Bình Thanh

…đến những lan tỏa

Có thể thấy, thông qua những kiệt tác của các nhà soạn nhạc cổ điển lừng danh, chương trình hòa nhạc “Nắng hoàng hôn” khéo léo dẫn dắt khán giả bước vào hành trình cảm xúc đặc biệt.

Đó là hành trình đi từ những hoang mang đôi khi tưởng như tuyệt vọng của mỗi người sau khi gặp biến cố cuộc đời đến giây phút bừng tỉnh lạc quan, kiên cường dám đối diện để rồi hân hoan đón nhận những ánh vui nhen lên từ bao điều bình dị.

Từ đó dẫn dụ đến thông điệp mà “Nắng hoàng hôn” lan tỏa: “Sự hồi sinh có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, bất cứ đâu, ngay cả ở trong một con người cũ kỹ, đau khổ”.

Thực ra, không phải ngẫu nhiên NEU Philharmonic có một chương trình hòa nhạc giàu cảm xúc và ý nghĩa như thế. Mọi việc được bắt đầu từ cuốn hồi ký “Chạy thận” của tác giả Hồ Hồng Việt. Gia đình tác giả - đại diện là chị Hồ Hoàng Lan có ước muốn thiện lành: Phát hành sách và trích lợi nhuận để ủng hộ bệnh nhân chạy thận nghèo.

Câu lạc bộ Âm nhạc Cổ điển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có những người trẻ tài năng, tâm huyết tìm thấy nguồn cảm hứng từ cuốn sách. Thế là, họ kết nối và cùng tìm ra chìa khóa đặc biệt: Âm nhạc.

Và, hòa nhạc “Nắng hoàng hôn” ra đời từ những tâm nguyện đong đầy yêu thương ấy để rồi cuốn hút mỗi nghệ sĩ, mỗi độc giả cùng trở thành một nhân tố cùng làm nên thành công của chương trình.

Khi đó, nghệ sĩ thì say mê tập luyện để làm sao dâng hiến những giai điệu hay nhất, cảm xúc nhất. Khán giả thì cùng mua sách chỉ với giá bìa 180.000 đồng và được tặng 2 tấm vé để đến dự hòa nhạc.

Theo nghệ sĩ piano Hoàng Hồ Thu, cô tham gia “Nắng hoàng hôn” từ lời mời của chị Hồ Hoàng Lan. Với cô đó là chương trình đặc biệt ý nghĩa khi được làm ra với mục đích hỗ trợ những hoàn cảnh chạy thận nhân tạo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nơi chính tác giả của cuốn sách cũng đang điều trị bệnh nan y này.

“Bản thân mình tuy không góp được tiền, nhưng đã, đang và sẽ góp hàng trăm giờ tập luyện, viết bài (như cái post này), lên kịch bản, bỏ chút ít công sức tổ chức để chương trình có thể thực hiện được thành công.

 Nhóm bạn trẻ của NEU Philharmonic cùng hòa tấu. Ảnh: Bình Thanh

Nhóm bạn trẻ của NEU Philharmonic cùng hòa tấu. Ảnh: Bình Thanh

 Hội trường kín khán giả đến với chương trình hòa nhạc 'Nắng hoàng hôn'. Ảnh: Bình Thanh

Hội trường kín khán giả đến với chương trình hòa nhạc 'Nắng hoàng hôn'. Ảnh: Bình Thanh

Có thể sự giúp đỡ không đáng là bao so với chi phí chữa trị khổng lồ của các bệnh nhân, nhưng sự chia sẻ và quan tâm của tất cả mọi người sẽ tiếp thêm sức mạnh cho họ đi tiếp, có được niềm tin vào cuộc sống”, nghệ sĩ Hoàng Hồ Thu chia sẻ trên trang cá nhân.

Cùng con gái đến buổi hòa nhạc, chị Trương Nữ Hoàng Giang (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn biết về xóm chạy thận ở Hà Nội qua báo chí, họ có cuộc sống rất khó khăn cùng gánh nặng về tài chính trong quá trình chữa trị.

Vì vậy, khi biết về “Nắng hoàng hôn”, tôi liền đăng ký mua sách và tham dự chương trình. Buổi hòa nhạc thật ý nghĩa, kết nối mọi người cùng chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân chạy thận nhân tạo”.

Ngồi bên mẹ, cô bé Bảo Anh (lớp 8, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cũng thỏ thẻ: “Tối nay cô giáo con - nghệ sĩ violin Hoàng Hồ Khánh Vân - biểu diễn. Trước đó, cô có giới thiệu cuốn hồi ký “Chạy thận” ở lớp và con thấy khá tò mò về những gì bệnh nhân phải trải qua. Với chương trình hòa nhạc con thấy rất hay và xúc động. Được xem cô Khánh Vân trình diễn, con cũng ước mong sau này lớn lên sẽ biểu diễn giống cô và tham gia các hoạt động thiện nguyện”.

Buổi hòa nhạc khép lại dù đã khá muộn nhưng nhiều người vẫn nán lại, nhất là các bạn trẻ. Họ chờ được chia sẻ chút tấm lòng với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó là bảng gắn những trái tim nhỏ đủ sắc màu ghi lại những lời nguyện cầu xúc động dành cho bệnh nhân: “Cố lên mọi người ơi phép màu sẽ tới!”; cũng như lời cảm ơn từ đáy lòng tới ban tổ chức: “Cảm ơn vì một chương trình ý nghĩa!”.

Thực là, buổi hòa nhạc thiện nguyện “Nắng hoàng hôn” lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký “Chạy thận” của tác giả Hồ Hồng Việt mang âm hưởng thật ấm áp, dịu ngọt và tận hiến như những câu thơ của tác giả Đào Ngọc Lan:

“…Nắng hoàng hôn, vạt nắng

cuối ngày

Mỏng nhẹ, dịu êm mà không

mờ nhạt

Vẫn sáng khung trời, dòng sông, bờ cát

Như chẳng muốn mình chìm khuất vào đêm

Những gì đã qua đừng cố

kiếm tìm

Bóng xế dù sang cũng đừng

thất vọng

Hãy hết mình cho mỗi ngày ta sống

Là đã dâng đời chút nắng

hoàng hôn!”.

““Nắng hoàng hôn” là chương trình rất đặc biệt, dùng âm nhạc để kể những câu chuyện của các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, trong đó bản thân bác Việt – tác giả của cuốn sách – cũng đang trong quá trình điều trị bệnh ở giai đoạn cuối. Chương trình được gia đình bác Việt và Câu lạc bộ Âm nhạc Cổ điển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuẩn bị trong gần năm qua. Tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục cùng gia đình thực hiện các chuyến hoạt động thiện nguyện đem số tiền trích được từ việc phát hành hồi ký “Chạy thận” gửi các bệnh nhân còn kém may mắn”. Thầy Nguyễn Hoàng Hà – Trưởng phòng Công tác chính trị quản lý sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoa-nhac-cua-nhung-dong-cam-yeu-thuong-post696790.html