Hòa nhập cộng đồng không chỉ là nỗ lực của người khiếm thị
Trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội có ngôi nhà đặc biệt, là ngôi nhà chung của một ban nhạc gồm các thành viên là người khiếm thị. Họ cùng nhau sống, sinh hoạt, tập nhạc, sẻ chia buồn vui với những lắng lo thường trực, và hơn hết là cùng chung khát khao hòa nhập - một vấn đề mà bấy lâu nay, luôn là bài toán khó cho cộng đồng người khiếm thị.
Cứ 8h sáng mỗi ngày, nhóm nhạc lại tập trung để sẵn sàng cho việc tập luyện, phục vụ cho những buổi biểu diễn ở Phố đi bộ hay chương trình văn nghệ, một nguồn thu nhập thêm để trang trải cuộc sống. Các thành viên ở những độ tuổi khác nhau, đa phần là đang trong độ tuổi đi học. Họ lấy âm nhạc làm niềm vui nhỏ sau nhiều khó khăn thực tại.
Không chỉ khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, giao thông đi lại, vấn đề hạn chế cơ hội việc làm cho người khiếm thị cũng là bài toán khó chưa tìm thấy lời giải.
Anh Vũ Hoàng Trung, thành viên lớn tuổi nhất của ban nhạc mau chóng thu dọn đồ để đi làm sau giờ tập nhạc. Điểm đến của anh Trung là cơ sở bấm huyệt cách nhà 2 cây số. Cơ sở bấm huyệt này là nơi hỗ trợ và tạo kế sinh nhai cho hàng chục người khiếm thị.
Hiện nay, người khiếm thị tại Việt Nam chủ yếu sinh sống bằng các công việc truyền thống như làm tăm tre, chổi đót, tẩm quất bấm huyệt hay biểu diễn văn nghệ. Nhờ các hoạt động tích cực của Hội người mù Việt Nam, những năm gần đây người khiếm thị đã được hỗ trợ học nghề chuyên sâu các kỹ năng, lấy chứng chỉ. Một phần trong số họ đã có việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo tiền đề tốt cho hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành, hội, và hơn cả là sự công tâm trong việc đánh giá năng lực của xã hội; sự quan tâm, đồng hành từ phía gia đình chính là nguồn sức mạnh to lớn nhất, tiếp sức cho người khiếm thị vượt qua rào cản số phận, sớm tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!