Hoa nở chiều ba mươi

Chừng ấy năm, trong tim tôi vẫn canh cánh hình ảnh của cha tôi lúc cha từ ngoài ruộng chạy vào cầm tấm bạt rách che chắn chái bếp, căn nhà lá cũ kỹ đang rung lên vì cơn giông trong buổi chiều ba mươi Tết năm ấy.

Hoa vạn thọ ngày Tết.

Hoa vạn thọ ngày Tết.

ức đó, tưởng đã xa rồi! Nhưng mỗi lần ngồi uống trà với cha trong buổi chiều ba mươi Tết, nhìn cảnh cũ, nhớ nhà xưa, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Nhắc lại chuyện đó, tôi thấy cha tôi cười hề hà, bảo ai cũng có một thời long đong vất vả, một thời dãi gió dầm sương. Nói thì nói vậy chứ tôi biết cha tôi vẫn trân trọng từng kỷ niệm đã qua, dù nó là những ký ức đẫm nước mắt của tôi và của mẹ.

Bây giờ nhắc lại chuyện đó, tôi thấy sao mà mình nhớ ngày xưa quá! Ở mỗi chặng đường đời của tôi, Tết lại mang đến những niềm vui riêng. Tôi vẫn nhớ chiều ba mươi Tết năm nào, khi mà những đứa trẻ trong xóm nhỏ đã xúng xính áo quần, ra hàng ba (phần hành lang trước mỗi ngôi nhà- P.V) đứng ngắm hoa mai nở rực rỡ, rụng đầy sân, tôi đã khóc ròng vì mình vẫn chưa có quần áo mới. Nghĩ lại, tôi thấy mình có lỗi. Nếu tôi kìm nén giọt nước mắt lại hoặc trốn ở một góc nào đó mà khóc một mình thì mẹ tôi đã không phải áy náy trong suốt những năm tháng về sau...

Chiều ba mươi Tết là thời khắc đoàn viên. Cha tôi dù có theo ghe đi làm hầm than ở xóm bên cũng tranh thủ về để kịp ăn cùng mẹ con tôi bữa cơm tất niên đơn giản. Chiều ba mươi, mẹ tôi bắt con cá lóc nấu canh chua, dưa cải trộn chua ngọt, thịt kho truyền thống... đợi cha về. Ngoài sân, khóm vạn thọ đã bung nở từ hôm đưa Ông Táo về Trời. Tôi cắt mấy cành đem cắm vào cái lọ có hình con nai vàng trên bàn thờ gia tiên. Mùi vạn thọ tỏa ra thơm ngát cả căn nhà vách lá. Cha tôi về mang theo ánh nắng một chiều mùa xuân, nụ cười của cha tỏa nắng cả bến sông quê rộn ràng hoa sao nhái.

Bây giờ cũng là chiều ba mươi Tết, cũng là tôi, là mẹ, là cha trong căn nhà đã được xây cất vững chãi hơn theo kiến trúc cổ điển, vách tường quét vôi trắng xóa. Nhưng tôi không còn là cậu bé ngày nào khóc ròng chỉ vì không có quần áo Tết sau một năm mùa màng thất bát, mưa bão vây đầy. Không còn là cha tôi của những lần theo ghe sang tận xóm bên vác củi, làm hầm than để mẹ tôi từng chiều xuống bến sông ngóng vọng về phía đầu sông có hoàng hôn nhuộm đỏ một màu. Cha tôi giờ tóc bạc màu sương gió, mẹ tôi cũng lấm tấm ít nhiều những sợi trắng bạc mái đầu. Tôi trở về nhà đúng hôm hai mươi lăm, ngày mẹ nấu mâm cơm đưa ông bà gia tiên về Trời đón Tết. Thấy cội mai già trước sân đã nở, khóm vạn thọ mẹ trồng đã rực rỡ, sao nhái cũng lập lòe đốm lửa bên hàng hiên, tôi cảm nhận sức xuân đã căng tràn trên mảnh đất cũ vườn xưa yêu dấu của mình. Sau những niềm vui rộn rã, bấy giờ, Tết với tôi đơn giản chỉ là nụ cười của mẹ, những câu chuyện không đầu không cuối mà cha kể lúc rồi chéo nguẩy uống trà ngoài hàng ba uống trà móc câu tôi mua từ thành phố về. Tết với tôi là sắc mai vẫn nở, là màu vạn thọ mẹ chăm chút đợi ngày Tết nở hoa, là con đường đổ đá dẫn từ bến nước vào nhà, là chái bếp của mẹ lúc nào cũng nồng nàn khói, thơm mùi cơm thơm dẻo, mùi thịt kho truyền thống sùng sục trên lửa riêu riêu. Tết đơn giản như thế, cần chi những chốn xa xôi, những thứ xa hoa...

Trong bữa cơm tất niên, chúng tôi đã nói cho nhau nghe biết bao điều. Toàn những câu chuyện xửa chuyện xưa, chuyện năm ấy Tết đến trong cơn mưa gió bão bùng, chuyện hồi thiếu thốn, chuyện thuở cơ hàn... Vừa kể, vừa cười, vừa chứa chan nước mắt tự khi nào không biết.

Càng lớn, Tết với mỗi người đơn giản chỉ là cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên chiều ba mươi, là nhìn thấy những người thân yêu của mình mạnh khỏe, là hoa vạn thọ vẫn nở đầy lối nhỏ về nhà. Chỉ cần vậy thôi!

Tản văn: Hoàng Khánh Duy

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoa-no-chieu-ba-muoi-post307835.html