Hoa nở trên núi đồi

Ai đã từng qua vùng núi hai huyện Hướng Hóa, Đakrông vào mùa xuân đều bắt gặp cảnh tượng hoa trẩu nở trắng trên từng triền đồi, thơm lừng trong gió, còn trên từng nương rẫy, mọi người đang hăng say thu hoạch sắn. Vào tháng ba, dù vùng núi phía Tây này ít nhiều ảnh hưởng gió, nắng của nước bạn Lào nhưng không khí vẫn còn trong mát, cây cỏ đang ở mùa xuân nảy nở xanh tươi, chạy xe trên những con đường khúc khuỷu mùa này khiến cho mọi người có cảm giác như đang hòa mình vào thiên nhiên. Xa xa là những cánh quạt gió chậm đều quay giữa núi đồi nhấp nhô và bạt ngàn cây cỏ quê hương.

 Điện gió ở Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: LNT

Điện gió ở Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Ảnh: LNT

Tôi được biết, trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc biên giới Việt - Lào đoạn qua huyện Hướng Hóa có rất nhiều “eo gió” hay “cửa gió”, nên ý tưởng phát triển điện gió đã được lãnh đạo của tỉnh quan tâm. Năm 2010, Sở Công thương Quảng Trị đã tiến hành khảo sát, xây dựng các cột đo gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, cho thấy tốc độ bình quân 7m/giây. Có số hiệu quy hoạch điện gió, Sở Công thương đã vận động doanh nghiệp đầu tư điện gió ở tỉnh Bình Thuận nhưng do địa hình hiểm trở nên gặp nhiều khó khăn, mặt khác tua bin nặng 82 tấn, cánh quạt dài 44 m - 52 m nên việc lặp đặt các trục chiều cao 80 m cần phải có xe, cần cẩu siêu trường, siêu trọng và phải mở đường. Năm 2017, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đã vào Hướng Linh triển khai thành công 15 tua bin gió và 30 MW đầu tiên mang lại kết quả vận hành công suất đạt gần 80% công suất thiết kế, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước đến thăm dò, khảo sát đầu tư.

Đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 17 dự án điện gió đã phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 608 MW và 49 dự án điện gió với tổng công suất 2.700 MW đang được cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung quy hoạch trên diện tích trải dài từ huyện Hướng Hóa đến Đakrông và Cam Lộ. Sau những thành công của các dự án điện gió ở Hướng Hóa, tôi tin rằng trong thời gian ngắn nữa sẽ có cả cánh đồng điện gió rộng lớn kéo dài từ Hướng Hóa đến Cam Lộ. “Gió ở đây rất nhiều, có quanh năm, rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió mang nhiều lợi nhuận, có nhiều nhà đầu tư đang rất muốn đến nơi đây, nếu được như vậy tương lai gần sẽ có cả cánh đồng điện gió”, một người bạn đã nói với tôi như vậy. Tôi rất thích cách nói “thì tương lai” của bạn, vì nơi này khoảng hai mươi năm trước không ai nghĩ những tua bin gió có công suất lớn như thế này hiện hữu ở đây, không chỉ ở một nơi mà nhiều nơi trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ đang được khảo sát, triển khai các công trình điện gió. Nhìn cả một vùng đồi núi rộng và những cánh quạt to lớn đang quay đều trong gió là đã thấy tương lai của quê hương đang rộng mở ở phía trước.

Tôi vốn sinh ra vùng quê được gọi là “vựa lúa” của cả tỉnh nên đối với tôi củ sắn, củ khoai, hạt lúa vừa nuôi tôi lớn lên từng ngày, vừa là kỷ niệm và cả những hoài niệm không thể nào quên. Củ sắn những năm trước khó khăn thường được “độn” với cơm ăn cho đỡ đói, nhưng khi tận mắt chứng kiến sự phấn khởi của bà con vùng Lìa và những xã ở hai huyện miền núi nơi đây, tôi mới thấy rằng củ sắn không chỉ là giải quyết cái ăn những lúc đói nghèo mà nay trở thành nguyên liệu quan trọng giúp người nông dân phát triển kinh tế. Câu lạc bộ 100 triệu từ trồng sắn khiến tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đây là minh chứng và niềm tự hào của người dân khi họ không những sống bằng cây sắn mà đã làm giàu từ cây sắn. Câu lạc bộ là nơi gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các chuyến đi trong và ngoài nước để học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật về áp dụng.

Tôi đem băn khoăn vì sao trồng sắn lại mang nhiều nguồn lợi như vậy, thì được mọi người tận tình giải thích: Nguyên liệu sắn ở đây đã được nhà máy tận dụng hết, tạo ra một mô hình sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; nhờ ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ như sấy khô bã sắn để làm thức ăn cho gia cầm, vỏ sắn được ủ lên men để tạo ra sản phẩm phân vi sinh chất lượng cao, giá rẻ tái đầu tư lại cho bà con vùng trồng sắn. Nước thải của Nhà máy được xử lý theo công nghệ hiện đại (AES) của Hoa Kỳ vận hành theo cơ chế giảm rác thải (CDM), nước thải sau khi xử lý đã tạo thành chất khí mê tan để dùng vào việc sấy khô tinh bột sắn và bã sắn; toàn bộ nước thải theo quy trình khép kín đạt chuẩn và được đặt khoan trắc tự động để các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý. Như thế, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín đã giải quyết việc ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, lại tiết kiệm, giảm chi phí trong khâu sản xuất, hạ giá thành. Không những thế, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa còn cam kết và thực hiện thu mua hết sản phẩm với giá cả hợp lý, đảm bảo thu nhập ổn định để người dân trồng sắn yên tâm sản xuất trên vùng nguyên liệu sắn của mình. Đồng thời, nhà máy còn tổ chức tốt việc vận chuyển, thanh toán kịp thời giúp bà con vùng núi giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tích cực có những giải pháp hỗ trợ người trồng sắn như tập huấn kỹ thuật thâm canh, cung cấp giống miễn phí, chuyển giao công nghệ… nhằm giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng và lợi nhuận.

Điều này minh chứng vì sao tinh bột sắn SEPON chất lượng, luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu để xuất khẩu số lượng lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là những nước phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc…Trong khi COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nhà máy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng đối với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa vẫn đảm bảo nguyên liệu để phát triển kinh doanh, duy trì thu mua và trồng mới cây sắn cho người dân. Có được sự ổn định như vậy là nhờ nhà máy đã tạo được uy tín, niềm tin và mối quan hệ trong suốt hai mươi năm nay với người dân nơi đây.

Đi trên vùng đất này, ta thấy một sức sống mới đang nảy nở từng ngày. Những bãi sắn, nương ngô ẩn mình trong sương sớm chờ nắng lên, xa xa là “những cánh đồng điện gió” đẹp như tranh vẽ luôn hút tầm mắt mọi người. Dẫu biết hoa trẩu, mây ngàn và gió núi nơi đây có từ thuở nào nhưng tôi vẫn thấy bâng khuâng, lạ lẫm, tưởng như mọi thứ đang trở mình mạnh mẽ ở nơi đây.

Lê Như Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=147531