Hòa Phát: Lãi 6 tháng tăng gấp 3 lần, rót thêm 20.000 tỷ đồng vào 'quả đấm thép'
Nửa đầu năm 2024, Hòa Phát mang về 6.188 tỷ đồng lãi sau thuế - con số này tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của Hòa Phát nửa đầu năm 2024 tăng gấp 3,4 lần
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 39.555 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn hàng bán, công ty lãi gộp 5.247 tỷ đồng, tăng 64% so với năm ngoái.
Quý II/2024, doanh thu hoạt động tài chính đạt 645 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái do lãi tiền gửi giảm mạnh. Chi phí tài chính giảm 21% còn 1.065 tỷ đồng nhờ chi phí lãi vay giảm. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng lần lượt 38% và 17%.
Trừ các chi phí, Hòa Phát mang về 3.319 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là khoản lợi nhuận cao nhất trong 2 năm qua mà Hòa Phát ghi nhận được.
Trong quý II/2024, nhóm thép chiếm tỉ trọng lớn nhất với đóng góp 96% và 91% lần lượt cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất tập đoàn. Nông nghiệp đứng thứ 2 về doanh thu và lợi nhuận sau thuế với tỉ trọng lần lượt là 4% và 7%. Bất động sản đóng góp đứng thứ 3 với 0,3% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế.
Sản lượng thép xây dựng quý II đạt 1,27 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước (956.000 tấn). Ngược lại, tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 10% từ 805.000 tấn xuống 724.000 tấn. Thị phần thép xây dựng trong nước vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 38%.
Hòa Phát cho biết, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh gây nên sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa.
Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.
Như vậy, tiêu thụ thép xây dựng là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý này, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng HRC.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát mang về tổng cộng 71.028 tỷ đồng doanh thu, 6.188 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 26,6% và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, ban lãnh đạo Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được 50,3% mục tiêu doanh thu và 62% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
"Bơm" mạnh tiền cho "quả đấm thép" Dung Quất 2
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 206.609 tỷ đồng, tăng 39% so với số đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm phần lớn nhất là tài sản cố định, chiếm 34% ở mức 70.074 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng gần 5.700 tỷ đồng lên 40.163 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi là 28.346 tỷ đồng, giảm 18% từ đầu năm. Khoản mục có sự thay đổi lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát là tài sản dài hạn dở dang, ở mức 45.360 tỷ đồng, tăng 74% từ đầu năm, chiếm 22% tổng tài sản.
Trong phần tài sản dở dang dài hạn này, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm phần lớn, riêng giá trị tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất (dự án Dung Quất 2) đã chiếm gần 42.400 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm, tương đương mức tăng gần 20.000 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong tương lai gần, công ty sẽ không tăng việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2 và không thể "phiêu lưu" cầm tiền đi đầu tư hay "ôm" bất động sản.
"Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hòa Phát là "vua tiền mặt", nhưng đó không phải là tiền dôi dư, mà là tiền để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất. Đây không phải là số tiền Hòa Phát không dùng đến mà để dành cho "những quả đấm thép" như dự án Dung Quất 2, Hòa Phát không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư, "ôm" bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh", ông Trần Đình Long nói.
Cuối tháng 6/2024, tổng nợ vay tài chính của Hòa Phát ở mức gần 73.000 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 108.676 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 43.800 tỷ đồng.