Hòa Phát tỏa sáng, 'vàng đen' lên ngôi trong phiên Vn-Index giảm điểm
Lực cầu ở các nhóm thép, phân bón và than tiếp tục tăng mạnh và góp phần giúp các chỉ số thuộc những ngành này bứt phá mạnh, VIC tiếp tục giảm mạnh...
VN-Index sáng nay vẫn tạm khép cửa trên 1.490 điểm, giảm 7,15 điểm tương ứng 0,48% do chịu ảnh hưởng tâm lý bởi diễn biến trên thị trường quốc tế. Một phần nguyên nhân nữa là áp lực của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là VIC khiến VN30-Index giảm tới 9,27 điểm tương ứng 0,61% còn 1.517,23 điểm.
Đến phiên chiều, VN-Index tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc ngày, VN-Index ghi nhận giảm hơn 8 điểm xuống 1.490,13 điểm. Sàn này có 252 mã giảm và chỉ 202 mã tăng giá. Tại Hà Nội lại diễn biến ngược lại khi HNX-Index kết phiên tăng nhẹ 0,26 điểm lên 440,42 điểm. Sàn Hà Nội có 116 mã tăng và 105 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu trụ VN30 hôm nay ghi nhận có 21/30 mã giảm giá. Chỉ số nhóm VN30 hôm nay cũng giảm hơn 9 điểm so với phiên cuối tuần trước. Các mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường hôm nay hầu hết nằm ở nhóm này.
HPG là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường hôm nay ghi kéo chỉ số chung 1,4 điểm. HPG hôm nay tăng 2,8% lên 47.200 đồng/cổ phiếu. Không chỉ HPG, nhóm thép, dầu khí, hóa chất... bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường chung vẫn tăng mạnh hôm nay, nhiều mã thậm chí tăng kịch trần như HSG của Tập đoàn Hoa Sen, SFG của Phân bón miền Nam, DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau, TLH của Thép Tiến Lên, NKG của Thép Nam Kim, DPM của Tổng công ty Phân bón Dầu khí...
Theo báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán BSC thì ngành thép và phân bón được dự báo hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể triển vọng cổ phiếu phân bón cao nhờ kỳ vọng sản lượng xuất tăng và giá bán neo ở mức cao. Với nhóm thép, Nga đang xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào Liên minh châu Âu (EU), chiếm tỉ trọng khoảng 14% với thép dẹt và 19% với thép dài. Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ.
GAS cũng là một trong những mã tác động tích cực nhất đến thị trường khi đóng góp 0,38 điểm vào chỉ số chung. GAS hôm nay tăng lên mức 118.000 đồng/cổ phiếu. Các mã tiếp theo tác động tích cực đến chỉ số chung là DPM, DCM, HSG, MBB, FPT, LDC...
Một cổ phiếu khác cũng tăng tích cực trong phiên hôm nay và tuần qua là HUT của Tasco. Cổ phiếu này đã tăng hơn 30% sau khi thoát lỗ ngoạn mục trong năm 2021 và được kỳ vọng hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư công năm 2022. Kết phiên hôm nay, HUT dừng tại mức 31.200 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là thị giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết.
Một cổ phiếu khác chung cảnh tăng mạnh như HUT là YEG của Tập đoàn Yeah1. Hôm nay, YEG tiếp tục tăng kịch trần. Đây cũng là doanh nghiệp vừa thoát lỗ năm 2021 nhờ bán công ty con.
Ở chiều ngược lại, VIC hôm nay tiếp tục trở thành trở ngại đối với VN-Index khi là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. VIC giảm 2,6% xuống 77.000 đồng/cổ phiếu và là mức thấp nhất từng ghi nhận 52 tuần trở lại đây của mã này. Cổ phiếu này từ đầu năm 2022 đã điều chỉnh giảm mạnh và vẫn đang "dò đáy". Cổ phiếu VHM hôm nay cũng là một trong những cổ phiếu kéo chỉ chung mạnh nhất. VRE của Vincom Retail cũng đang chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu FRT sau tuần liên tục tăng mạnh, kết thúc tuần trước tăng đến hơn 30% thị giá thì đầu tuần này đã điều chỉnh giảm. Cổ phiếu FRT hôm nay giảm 2,16% xuống còn 122.300 đồng/cổ phiếu, dù vậy, cổ phiếu này cũng đã tăng mạnh từ đầu năm.
Ngoài ra nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng gây ảnh hưởng rất xấu. Đơn cử như BID giảm 1,9% xuống 43.700 đồng, CTG mất 2,1% về 33.150 đồng, EIB lao dốc 3% còn 33.850 đồng hay SSB giảm 2,5% xuống 35.400 đồng.
Ngày 28/2 ghi nhận khối ngoại bán ròng mạnh nhất 10 phiên trở lại đây. Hôm nay, khối ngoại bán ròng 797,3 tỷ đồng. Trong đó, mã bị bán ròng nhiều nhất là HPG với 353,04 tỷ đồng. Tiếp đến là CTG với 121,74 tỷ đồng, VIC 105,8 tỷ đồng, KBC 57,97 tỷ đồng... Các mã được mua nhiều hôm nay là NLG với 57,78 tỷ đồng, TPB 44,49 tỷ đồng, VRE 29 tỷ đồng... Dù vậy, đây vẫn là mức mua ròng thấp so với các phiên trước đây. Khối lượng được mua ròng phiên hôm nay là 25,4 triệu cổ phiếu trong khi khối lượng bị bán là 43,3 triệu.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường đạt 26.667 tỷ đồng, giảm 8,9%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 8% và đạt chỉ 22.607 tỷ đồng.
Chứng khoán BIDV nhận định xung đột ở Ukraine đang là thông tin thu hút sự chú ý và thị trường rất khó kỳ vọng có nhịp tăng mạnh trong ngắn hạn. VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong khoảng 1.485-1.515 điểm trong tuần này và không loại trừ còn những nhịp rung lắc mạnh.
Chứng khoán Đông Á nhận thấy chỉ số có kháng cự ở 1.510 điểm và khả năng trong tuần này số cổ phiếu bắt đáy về tài khoản nên việc chốt lời ngắn hạn còn tiếp diễn, VN-Index cần thêm thời gian để tích lũy ở khu vực 1.500 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.512 điểm. Chứng khoán Rồng Việt có phần tiêu cực hơn khi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng cho việc vượt cản và áp lực bán có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường.