Hóa ra lâu nay sách không 'hữu xạ tự nhiên hương'
Theo The Conversation, rất ít khi thấy một cuốn sách mới xuất bản mà không có đề cử vang dội từ ít nhất một hoặc hai người nổi tiếng trong giới.
Các tác giả nổi tiếng sẽ ca ngợi một đầu sách mới là “tuyệt vời”, “cảm động” hoặc “gợi suy nghĩ” và tuyên bố rằng họ “không thể đặt nó xuống”, hoặc đại loại như vậy.
Trên thực tế, những lời giới thiệu này thường được thu thập trước khi sách xuất bản. Các tác giả (hoặc đại diện văn học/biên tập viên) sẽ trao đổi với những tên tuổi nổi tiếng hơn trong ngành và đề nghị họ đưa ra một vài từ ngữ có lợi để đưa lên trang bìa trước hoặc bìa sau.
Tuy nhiên, quan chức cấp cao mới được bổ nhiệm của nhà xuất bản Simon & and Schuster tại Mỹ không còn muốn đi theo truyền thống này. Viết trên tờ Publisher’s Weekly, Sean Manning tuyên bố rằng các tác giả đến với ông và nhà xuất bản của ông sẽ không còn “cần những lời giới thiệu như vậy cho sách của họ nữa”.
Manning lập luận rằng "cố gắng có được lời giới thiệu không phải cách hiệu quả" và lưu ý một số đầu sách được hoan nghênh trong danh mục sách cũ của Simon & Schuster, ví dụ Catch-22 và All the President's Men, khi mới xuất bản cũng không cần bất kỳ lời giới thiệu nào.
Manning còn cho biết thêm quy ước về lời giới thiệu không được đặt ra trong các ngành nghệ thuật khác. Còn riêng trong xuất bản, thông lệ này "tạo ra một hệ sinh thái văn học rối loạn, trong đó, thường coi trọng mối quan hệ hơn là tài năng".
Vậy quyết định của Manning có báo trước một cuộc đảo chính triệt để trong thế giới sách không? Liệu lập trường của ông có giúp giải phóng các tác giả khỏi sự ràng buộc của lời giới thiệu không?
Lời của những thiên tài
Trong một bài bình luận cho tạp chí Millions, Alan Levinovitz đã xem xét sự phát triển của lời giới thiệu. Từ xa xưa, các nhà văn cổ điển thường tìm cách kết nối tác phẩm của họ với những nhân vật nổi tiếng hơn thông qua đề tặng, nhắn gửi. Levinovitz cho rằng thông lệ đưa lời khen ngợi vào một văn bản từ bên thứ ba lần đầu tiên xuất hiện vào thời Phục hưng.
Nhà nhân văn học nổi tiếng Sir Thomas More có lẽ là ví dụ đầu tiên được ghi chép lại về một tác giả cố gắng đưa vào một hoặc hai lời nhận xét có lợi. Vào năm 1516, năm ông xuất bản Utopia, More đã viết thư cho triết gia Desiderius Erasmus đề nghị rằng cuốn sách của ông có thể "được mở đầu bằng những lời giới thiệu đẹp nhất, nếu có thể, từ nhiều người, cả trí thức và chính khách lỗi lạc".
Cách làm này trở nên phổ biến vào thế kỷ 18 và 19, khi sự trỗi dậy của các tạp chí văn học ghi nhận sự bùng nổ của các bài đánh giá sách. Và nội dung này có thể được trích dẫn rộng rãi trong phần lời tựa của các cuốn sách khi chúng được tái bản.
Theo Levinovitz, ví dụ đầu tiên về lời giới thiệu riêng lẻ bên ngoài được thêm vào một cuốn sách xuất hiện vào năm 1856, khi ấn bản thứ hai cuốn Leaves of Grass của Walt Whitman được ra mắt. Một câu trích dẫn từ lá thư triết gia Ralph Waldo Emerson gửi Whitman được in mạ vàng ở phần dưới gáy sách:
Tôi gửi lời chào ông vào thời điểm ông khởi đầu một sự nghiệp vĩ đại / R W Emerson.
Trong khi nhiều lời giới thiệu có thể thực sự chân thành, thì từ lâu đã có sự nghi ngờ rằng chúng chỉ là những lời khen ngợi sáo rỗng hoặc cường điệu. Ví dụ, Henry Fielding đã chế giễu những lời khen ngợi trong tiểu thuyết Pamela (1740) của Samuel Richardson trong tác phẩm nhại lại Shamela năm 1741: “Ai có thể viết một cuốn sách xuất sắc như vậy?”.
Thực tế, từ lời giới thiệu/lời chứng được đề cập vào năm 1907 như một thuật ngữ miệt thị đối với những câu từ quá xa hoa và hào nhoáng về nội dung của một cuốn sách. Năm 1936, George Orwell đã lên án hành vi này là lừa dối độc giả. Ông đã viết: "Khi tất cả tiểu thuyết đều được đưa đến bạn với những lời giới thiệu rằng chúng do thiên tài viết, thì việc cho rằng tất cả chúng đều là vớ vẩn là điều khá tự nhiên".
Mạng lưới lợi ích?
Trong khi đó, giữa bối cảnh doanh số bán sách phụ thuộc một phần lớn vào sự lan tỏa trong cộng đồng, người ta thường cho rằng lời của một nhà văn nổi tiếng sẽ có sức nặng.
Nhưng như Bill Morris lưu ý, lời quảng cáo của một tác giả cũng có thể dễ dàng khiến độc giả không thích một cuốn sách. Sở thích là chủ quan và tác giả chỉ có sức ảnh hưởng nhất định đến độc giả.
Nghiên cứu năm 2018 của Michael Maguire cũng cho thấy việc trao đổi lời giới thiệu diễn ra thông qua các mạng lưới liên kết chặt chẽ xoay quanh thể loại, nhà xuất bản, vị trí địa lý và các tổ chức như trường đại học.
Kết quả Maguire tìm thấy ủng hộ niềm tin của Manning rằng việc giới thiệu sách xuất phát từ văn hóa thiên vị và sự giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho biết các tác giả có ảnh hưởng, nhìn chung, rất hào phóng trong việc hỗ trợ những người mới vào nghề trong lĩnh vực của họ.
Trong khi một số nhà văn đặt câu hỏi về sự cần thiết của phần giới thiệu, thì những người bán sách dường như thấy chúng hữu ích trong việc định vị các đầu sách mới. Một câu trích dẫn từ một tác giả nổi tiếng có thể giúp những người bán sách quảng bá và giới thiệu tác phẩm dễ dàng hơn. Nhu cầu này khiến nhiều tác giả nổi tiếng nhận được nhiều đề nghị viết lời giới thiệu. Do đó, nhiều người viết những câu ca ngợi vì cảm thấy có nghĩa vụ, thay vì vì họ thực sự nhiệt tình.
Chính sách mới của Manning làm giảm bớt một số áp lực này. Các tác giả mới sẽ không phải trải qua quá trình thường gây bẽ mặt là tìm kiếm sự đề cử từ những người đi trước. Còn những nhà văn đã thành công sẽ không bị kiệt sức vì những yêu cầu đó. Như Manning lưu ý, việc giảm sự phụ thuộc vào phần giới thiệu cũng có thể khuyến khích sự đổi mới trong việc quảng bá sách.
Trong khi chưa rõ hiệu quả của chính sách bỏ qua lời giới thiệu thì ít nhất chúng là một phép thử để xem liệu hoạt động thường gây căng thẳng và đáng ngờ này có thực sự cần thiết hay không.
Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-ra-lau-nay-sach-khong-huu-xa-tu-nhien-huong-post1529900.html