Đề xuất cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn một số đối tượng vi phạm về thuế
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất bổ sung quy định cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với vi phạm về thuế
Cụ thể, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất bổ sung quy định về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế. Theo đó, người thành lập hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới.
Tuy nhiên, tại khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, "Người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp". Do đó, quy định đang chưa rõ các chủ thể này có bao gồm các thành viên/cổ đông đang sở hữu phần vốn góp/cổ phần trong các doanh nghiệp hay không. Nếu các thành viên hoặc cổ đông sở hữu phần vốn góp/cổ phần được xem là "người thành lập doanh nghiệp" thì phạm vi áp dụng của quy định này quá rộng và bất khả thi, nhất là khi áp dụng cho công ty đại chúng.
Ngoài ra, nếu người thành lập doanh nghiệp là các cổ đông sáng lập, trường hợp sau ba năm đã chuyển nhượng cổ phần cho chủ thể khác, nếu chịu sự ràng buộc bởi quy định này là chưa hợp lý.
Theo VCCI, việc cấm một số chủ thể thành lập doanh nghiệp tác động lớn đến việc gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ, tránh đi ngược lại tinh thần khuyến khích khởi nghiệp thông qua việc thành lập doanh nghiệp.
![Công nhân tại cơ sở làm kẹo dừa. Ảnh: TÚ UYÊN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_114_51428023/bc8cb239887761293866.jpg)
Công nhân tại cơ sở làm kẹo dừa. Ảnh: TÚ UYÊN
Thay đổi vốn điều lệ phải kèm bản sao giấy tờ chứng minh
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất bổ sung quy định việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh hoàn tất việc thay đổi vốn điều lệ; bổ sung quy định giao văn bản hướng dẫn Luật quy định chi tiết về các trường hợp mà thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực góp vốn.
Đây là quy định mới, được hiểu nhằm hạn chế tình trạng "góp vốn khống", "tăng vốn ảo". Tuy nhiên, quy định này gia tăng thêm thủ tục, có thể là rào cản cho các chủ thể muốn thành lập doanh nghiệp.
Theo VCCI, pháp luật về doanh nghiệp hiện hành đang thiết kế theo hướng tại thời điểm đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký chỉ ghi nhận những thông tin của doanh nghiệp đăng ký và áp dụng cơ chế quản lý bằng hậu kiểm. Cách thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Nếu theo đề xuất này có thể khiến cho người thành lập doanh nghiệp phải mất thêm thời gian, chi phí để có được các tài liệu chứng minh. Một số công ty cho rằng đề xuất này khiến cho thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp kéo dài và việc gia nhập thị trường trở nên kém thuận lợi.
Đây là đề xuất thay đổi tư duy quản lý về đăng ký kinh doanh, sẽ tác động khá lớn đối với việc gia nhập thị trường. Vì vậy, đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này.
Đề xuất thay đổi khá lớn về chủ thể kinh doanh
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất quy định chủ thể kinh doanh là cá nhân gồm: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đây là đề xuất thay đổi khá lớn về chủ thể kinh doanh, cơ quan soạn thảo cần đánh giá đầy đủ hơn về tính cần thiết, hợp lý khi bổ sung vào Luật Doanh nghiệp.
Trước đây, có nhiều ý kiến về việc xây dựng một luật riêng về cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) để tương xứng với vị thế, vai trò của họ trong nền kinh tế.
VCCI cho rằng việc chỉ đề xuất một số nguyên tắc chung và trao quyền cho Chính phủ quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đánh giá đúng vai trò của các chủ thể này. Trường hợp cần thiết phải quy định hoạt động của cá nhân kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đề nghị bổ sung thêm nội dung cơ bản dự kiến sẽ quy định về chủ thể này để hình dung chính sách quản lý.
VCCI cho rằng, việc chỉ đề xuất một số nguyên tắc chung và trao quyền cho Chính phủ quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đánh giá đúng vai trò của các chủ thể này.
Trường hợp cần thiết phải quy định hoạt động của cá nhân kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đề nghị bổ sung thêm nội dung cơ bản dự kiến sẽ quy định về chủ thể này. Qua đó, để hình dung chính sách quản lý.