Hoa sen ngát hương trên ruộng lúa
Với quyết tâm phát triển kinh tế, gia đình anh Lùng Đức Hiểu (thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen, đem lại hiệu quả cao.
Vào ngày hè nắng gắt cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm hồ sen rộng hơn 1 ha ở thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư của gia đình anh Lùng Đức Hiểu. Dẫn chúng tôi thăm hồ sen, anh Hiểu bảo: Quyết định bỏ ruộng lúa sang trồng sen đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Ở đây bà con đều trồng lúa, vì vậy khi tôi đem sen về trồng, nhiều người lo ngại về mức độ thành công. Khi sen bén rễ, hoa bung nở thơm ngát và cho thu nhập cao thì ai cũng mừng.
Theo anh Hiểu, khu ruộng của gia đình trước đây cấy lúa nhưng vì ruộng trũng nên năng suất không cao, có vụ mất trắng. Đầu năm 2022, sau khi bàn với vợ, anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng sen. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy sen Quan Âm là loại sen có bông to, đẹp, nhiều cánh, hương thơm quyến rũ và lâu tàn, còn sen Juwaba có màu hồng cánh kép, cánh hoa xòe rộng xếp thành từng lớp bao bọc nhụy vàng tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Đặc biệt, cả 2 giống sen đều dễ trồng, lại có giá trị kinh tế cao nên gia đình anh quyết định đầu tư trồng 2 giống sen này.
Sau tết Nguyên đán, vợ chồng anh Hiểu bắt tay vào việc cải tạo đất, mua giống và vật liệu cần thiết để trồng sen. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không theo như mong muốn của vợ chồng anh. Thời gian đầu, mặc dù dày công chăm sóc nhưng cây chậm sinh trưởng, tỷ lệ chết hơn 60%. Không nản, anh tự tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây sen. Sau khi hiểu rõ đặc tính và biết chăm sóc đúng cách, sen bắt đầu cho bông.
Hoa sen Quan Âm và sen Jubawa cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Điểm hay và nổi bật của việc trồng những loại sen này là thu hoạch hoa hằng ngày. Để cây phát triển tốt, ra nhiều hoa, anh Hiểu thường bổ sung phân bón hữu cơ cho cây 1 lần/tháng. Vào mùa thu hoạch, bất kể mưa hay nắng, cứ sáng sớm là vợ chồng anh lại có mặt ngoài hồ để thu hái bông. Theo anh Hiểu, trồng sen lấy bông cho thu hoạch mỗi ngày. Thêm nữa, trồng sen mất chi phí đầu tư cho lần đầu xuống giống, sau đó chỉ cần chăm sóc và thu hoạch.
Tuy nhiên, vào thời điểm mới trồng hoa, tại địa phương chưa có nhiều người biết đến nên chủ yếu vợ chồng anh Hiểu mang ra chợ tiêu thụ. Thấy khách ít, anh tìm hướng tiêu thụ mới. Với sự am hiểu về mạng xã hội, anh nhận thấy đây là nơi dễ quảng bá sản phẩm đến nhiều người nên cùng vợ chụp ảnh và quay video đăng tải lên Facebook và TikTok. Hiệu quả đã đến ngay sau đó. Từ các tài khoản trên mạng xã hội, khách hàng liên hệ đặt mua hoa nhiều, thậm chí có thời điểm lượng hoa không đủ cung ứng theo nhu cầu khách mua.
Ban đầu, tôi chỉ bán được khoảng 60 - 70 bông mỗi ngày, ngày nhiều nhất cũng chỉ 100 bông. Sau khi đăng lên mạng xã hội, số lượng khách liên hệ đặt mua hoa sen tăng đáng kể, trung bình mỗi ngày tôi bán được 200 bông. Vào những dịp lễ, ngày rằm, mùng 1, gia đình tôi bán khoảng 500 bông mỗi ngày, với giá bán dao động 5.000 - 5.500 đồng/bông.
Anh Lùng Đức Hiểu, thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương
Nhờ truyền thông tốt trên mạng xã hội, đến nay, anh Hiểu đã có được thị trường tiêu thụ khá rộng. Cũng nhờ mạng xã hội, nhiều người đã biết và tìm đến hồ sen của gia đình anh Hiểu. Không chỉ trồng sen lấy bông, anh Hiểu còn đầu tư tạo cảnh quan phục vụ du khách đến check-in tại hồ sen.
Với sự cần cù và kiên trì, vợ chồng anh Lùng Đức Hiểu đã đưa cây sen bén duyên trên mảnh đất xã Nấm Lư, mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm đẹp cảnh quan môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoa-sen-ngat-huong-tren-ruong-lua-post385238.html