Họa sĩ Hàn Quốc kiếm tiền tỷ nhờ vẽ cá, ốc sên
Nhiều người hỏi họa sĩ Young-sung Kim có phải anh in ảnh lên vải hay không. Bản thân Kim cũng từng nhầm lẫn giữa ảnh chụp và tranh vẽ của mình.
Young-sung Kim là nghệ sĩ thị giác cực thực người Hàn Quốc. Các tác phẩm của họa sĩ sinh năm 1973 được trưng bày khắp thế giới tại các không gian nghệ thuật như Bảo tàng Clayarch Gimhae (Hàn Quốc), Bảo tàng Long (Trung Quốc), Moscow Manege (Nga), VW Contemporary (Mỹ)...
Đi ngược mong muốn của cha mẹ
Niềm đam mê nghệ thuật của Kim nhen nhóm từ thuở còn nhỏ. Anh nhớ mình tập vẽ ve sầu khi mới 9 tuổi. Kim không thể nào quên khoảng thời gian vẽ đầy hào hứng và cả nỗi thất vọng do bức tranh chưa như ý muốn. Theo Yonhap, lúc đó họa sĩ nhí tự nhủ sẽ tiếp tục rèn luyện để vẽ ngày càng đẹp hơn.
Tuy nhiên, bố mẹ không ủng hộ mong muốn theo đuổi nghệ thuật của Kim vì sợ rằng con trai sẽ không kiếm được công việc tốt. Sự phản đối của phụ huynh chỉ khiến Kim nổi loạn, thường xuyên đánh nhau, lãng phí thời gian vô ích.
Sau 2 năm như vậy, cuối cùng gia đình cũng nhượng bộ và cho phép Kim theo đuổi ước mơ của mình. Anh theo học Khoa Hội họa của trường Mỹ thuật (Đại học Hongik) và tốt nghiệp năm 1997.
Kim đã chứng minh cho cha mẹ thấy sự đổi ý của họ hoàn toàn đúng đắn. Anh không chỉ kiếm sống bằng công việc mình yêu thích nhất mà còn trở thành một trong những họa sĩ cực thực được đánh giá cao. Các bức sơn dầu của Kim có giá từ 40.000 tới 100.000 USD (1-2,5 tỷ đồng).
Theo Arte Realizzata, Kim lựa chọn thể loại cực thực vẽ những sinh vật nhỏ bị mắc kẹt trong thế giới của con người do muốn cảnh báo về các vấn đề môi trường, khí hậu. Một số bức nổi tiếng nhất của Kim miêu tả cá cảnh tù túng trong lọ, bát, bể thủy tinh gợi nỗi thương cảm của người xem. Ngoài ra, anh cũng vẽ một số loại bị nuôi nhốt khác như ếch, ốc sên.
Kim cho rằng con người đang lạm dụng động thực vật để trang trí, làm thực phẩm, thử nghiệm. Sự sống của không ít loài bị đe dọa do tốc độ phát triển nhanh chóng của nền văn minh vật chất. Bởi vậy, anh mong muốn những bức tranh thực hơn cả ảnh chụp, video sẽ khiến chúng ta suy nghĩ kỹ hơn về hành vi của mình với thế giới tự nhiên.
Sự hoàn hảo gây nhầm lẫn
Động lực hướng đến sự hoàn hảo luôn hiện hữu trong tác phẩm của Kim. Anh chấm điểm sáng tác của mình theo thang 100 nhưng không bức nào vượt qua được mốc 90.
“Mặc dù tôi làm việc từ 9h sáng đến nửa đêm nhưng phải mất cả năm để hoàn thành một số bức tranh. Tôi muốn vẽ chân thực nhất có thể nên rất lâu mới hoàn thành 1 tác phẩm ưng ý”, họa sĩ tài năng tâm sự.
Là một nghệ sĩ nhưng Kim không sáng tác tùy hứng mà luôn lên kế hoạch chặt chẽ như nhà khoa học, từ khâu chụp hình mẫu, chuẩn bị vải, phác thảo, bắt đầu vẽ bằng cọ nhỏ dần chuyển sang cọ lớn hơn. Anh làm việc 12 giờ mỗi ngày.
Kim thường hình dung sẵn hình ảnh mình định vẽ trong đầu. Đây là giai đoạn họa sĩ thấy khó khăn nhất nhưng cũng hứng thú nhất. Anh tưởng tượng cụ thể kích thước, màu sắc của vật mẫu. Anh sử dụng máy ảnh có ống kính macro để chụp các loại cá, ếch làm tư liệu vẽ tranh. Nhờ đó, bức hình hiện rõ các chi tiết mà mắt thường không nhìn thấy được.
Tranh tái hiện động vật của Kim thực tới mức khiến nhiều khán giả hoang mang. Không hiếm người từng xem tranh của Kim hỏi rằng liệu có phải anh in ảnh lên vải không.
Họa sĩ người Hàn Quốc không hề phật lòng và coi đó là lời khen chứ không phải sự chế nhạo. Bản thân Kim từng có lần nhầm lẫn khi gửi cho báo chí ảnh chụp con vật thay vì bức tranh anh vẽ vì chúng trông giống hệt khi nhìn bằng mắt thường.
Theo An Yên/Vietnamnet