Họa sĩ Ngọ Duy Lương và bữa tiệc của sắc màu
Người ta hay hình dung họa sĩ là người bụi bặm, đầu tóc, râu ria thật dài hoặc trọc lóc, quần áo màu xin xỉn hoặc sặc sỡ, vẻ ngoài khác thường. Nhưng Ngọ Duy Lương, họa sĩ trẻ xứ Thanh thì hoàn toàn khác. Anh như một người thợ - từ quần áo, đầu tóc cho đến cử chỉ, giọng điệu.
Nghề “kiếm cơm” ổn định nhất của Ngọ Duy Lương là giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Thiệu Công (Thiệu Hóa). Ngoài thời gian đi dạy, anh kiêm đủ thứ nghề, từ làm điện, sơn nội ngoại thất, thiết kế..., tối đến lại cày... toan.
Trong ngôi nhà ở số 29, đường Thọ Thành, tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), theo anh lòng vòng lên căn gác nơi làm việc, thực sự tôi có chút choáng ngợp với không gian xưởng vẽ. Sơn và toan. Tranh đã vẽ, toan và những bức tranh còn dang dở.
Ngọ Duy Lương bắt đầu triển lãm tranh từ năm 1999, khi ấy anh mới hơn 20 tuổi. Anh hài hước: “Nếu chỉ nói về giấy chứng nhận cho các cuộc triển lãm thì phải lấy thúng để khiêng”. Tuy vậy, đấy lại không phải sự kiêu ngạo, mà chỉ chứng tỏ cho tôi biết tình yêu, sự đam mê của anh với hội họa.
Đánh giá một họa sĩ không chỉ căn cứ vào số năm theo nghề hay số lượng tranh vẽ, với tôi quan trọng người họa sĩ ấy phải có “chất riêng”. Ngọ Duy Lương chẳng bao giờ nhận mình là nghệ sĩ, anh chỉ là người vẽ. Vẽ lúc nào thấy cần, thấy vui, thấy buồn hay khi muốn thoát ly khỏi thực tại. Anh vẽ như chơi, vẽ thật nhiều và cũng thật đẹp. Một vài người bạn hỏi anh vẽ tranh để làm gì? Anh cười: Vẽ chơi thôi, chả để làm gì. Tất nhiên người ta biết anh khiêm tốn... Tiếp xúc với Ngọ Duy Lương thấy con người ấy hồn nhiên, không chút hoa mĩ. Nhưng tác phẩm của anh lại khác.
Không dùng cọ, hầu hết anh sử dụng bay, vì thế cái sự hân hoan, vùng vẫy của một cá tính sáng tác được biểu hiện qua bút pháp mạnh mẽ, ngập tràn năng lượng. Khi chậm, dứt khoát, khi quằn quại hay đớn đau đều thể hiện trên những đường đi của bay. Xem tranh Ngọ Duy Lương thấy phảng phất phong cách của chủ nghĩa biểu hiện. Đôi khi gợi chút về chủ nghĩa dã thú trong nghệ thuật hội họa đầu thế kỷ XX. Tranh của anh thoát ly khỏi nghệ thuật cổ điển với màu sắc mạnh, đặc trưng như đỏ trầm, lam tím... sự tương phản mạnh mẽ của nóng và lạnh, đôi khi hoặc ngẫu nhiên hay cố ý, anh để nguyên những mảng màu gốc, chắc khỏe, phóng túng.
Nếu không thích dòng tranh ấn tượng, người ta dễ cảm giác việc vẽ của anh “cẩu thả”. Nhưng tôi cho rằng đó là cẩu thả có toan tính để biểu hiện hết những điều mình cần nói. Chả thế mà có họa sĩ từng nói đại ý: Nghệ thuật chỉ là tình cảm nhưng nếu không có kiến thức khoa học, và sự khéo léo của đôi bàn tay, thì mọi tình cảm mãnh liệt nhất cũng bị tê liệt. Xem tranh Ngọ Duy Lương, tôi thấy anh đã cố gắng vượt qua những kiến thức cơ bản để thăng hoa, phóng túng cái tôi của mình. Lối vẽ ấy có thể không phải là mới nhưng chắc chắn là sự can đảm vượt qua một lối mòn để đi đến tận cùng của con đường. Làm được điều ấy, đòi hỏi người họa sĩ phải thật dũng cảm, phải dấn thân, bỏ qua mọi rào cản, kiên trì và nhẫn nại. Tôi biết, anh chưa bằng lòng với chính mình. Và cũng có nhiều người không thích cách vẽ của anh. Mỗi người một gu thẩm mỹ, mỗi họa sĩ tạo cho mình những đối tượng thưởng thức khác nhau. Tranh của Ngọ Duy Lương kén người xem. Nhưng ai thích sự ấn tượng, phá cách, chắc chắn sẽ thích lối vẽ của anh.
Vẽ là sự thôi thúc của Ngọ Duy Lương. Anh cho biết: “Quen tay hay làm, họa sĩ cũng thế thôi, một năm không cầm bút, đến khi cầm vào đớ luôn”. Anh biến thú chơi của mình thành một thứ lao động thường xuyên. Hiện anh đang dồn tâm sức thực hiện series 1m x 1,2m với chủ đề Đại ngàn. Dự kiến vẽ tầm 40 - 50 bức và sẽ kết thúc khoảng giữa năm 2022.
Vừa nói, Lương vừa lật giở cho tôi xem bộ tranh 20 bức với khổ rộng 60cm x 80cm anh đã hoàn thành năm 2021. Tranh Ngọ Duy Lương hòa sắc nhuyễn, đẹp, dễ hút người xem. Anh có khoảng trên 200 tác phẩm, chủ yếu về đề tài phong cảnh nông thôn, một cánh đồng, một góc ao, một phiên chợ quê, vài đứa trẻ em dân tộc, thân thuộc và gần gũi.
Sinh năm 1978, tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), Ngọ Duy Lương tham gia sáng tác và vào Ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật tỉnh từ năm 1999. Hơn 20 năm làm mỹ thuật, dạy học sinh từ nét cọ đầu tiên, quan điểm của anh là: Hãy để trẻ nhỏ được thể hiện những gì mình yêu thích, được thả suy nghĩ vào nét vẽ.
Chất chứa trong con người Ngọ Duy Lương là một tâm hồn nghệ sĩ và tinh thần lao động miệt mài. “Chẳng biết kết quả thế nào, nhưng chắc chắn khi người ta yêu một thứ gì đó không phải vì tiền thì điều đó thật thiêng liêng và trân trọng”, anh chia sẻ. Tuy vậy, những gì anh đạt được không thể tính bằng vật chất, nó là niềm vui, hạnh phúc, là sự thỏa mãn. Và những người yêu tranh của anh thỉnh thoảng lại hân hoan vì được thưởng thức bữa tiệc sắc màu.