Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng: Kể câu chuyện vùng cao qua những bức họa

Sinh ra, lớn lên ở vùng chiêm trũng thuộc xã Lan Mẫu (Lục Nam) song họa sĩ Nguyễn Chí Hướng (SN 1979) có 25 năm gắn bó với vùng cao Sơn Động. Những trải nghiệm cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành chất liệu quý để anh đưa vào các tác phẩm của mình, kể câu chuyện vùng cao bằng màu sắc riêng biệt.

Tuổi thơ lam lũ chắp cánh cho tình yêu hội họa

Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng hiện công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Động. Tôi ghé thăm anh vào buổi chiều muộn. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh nằm trên quả đồi thuộc thôn Vá, xã An Bá được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trong căn phòng nhỏ nằm ngay sát lối vào - nơi anh cho ra đời những “đứa con” tinh thần của mình - đồ đạc, những tác phẩm hoàn thành được treo, xếp ngăn nắp. Thong thả nhấp chén trà, anh kể cho tôi nghe về đam mê cũng như hành trình đến với hội họa của mình.

 Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng.

Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng.

Cũng như bao đứa trẻ khác sinh ra ở vùng chiêm trũng, tuổi thơ của anh gắn liền với những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ. Mỗi buổi chiều, sau khi cho trâu ăn no hay cắt đầy bao cỏ, đám trẻ con ở làng lại tập trung tại ngòi gần nhà để cùng tắm, chơi đùa. Đất sét là thứ mà anh và các bạn cùng lứa thường lấy để nặn chơi. Với thỏi đất dẻo quánh trong tay, anh thỏa sức nhào nặn ra nhiều hình khối khác nhau, từ những vật dụng gần gũi trong nhà như: Nồi nấu cơm, lu đựng nước, chạn bếp… đến con lợn, con trâu, con gà. “Ở nhà thì nghịch đất sét, đến lớp tôi lại vẽ lại những gì mình đang nghĩ trong đầu ra bàn, ra giấy. Có lần nghe đài đọc truyện, tôi tự hình dung rồi vẽ lại nhân vật trong truyện”, anh Hướng kể.

- Vậy anh biết mình có năng khiếu hội họa từ nhỏ? - tôi hỏi.

- Ngày ấy, tôi nặn đất, vẽ tranh chỉ như một trò chơi con trẻ chứ chưa từng nghĩ mình sẽ theo đuổi công việc này. Năm lớp 12, tôi giúp chị gái đang là giáo viên mầm non vẽ hình khối để minh họa cho bài thi giáo viên giỏi cấp huyện. Bài thi của chị giành giải Nhì, chị tôi bắt đầu để ý đến năng khiếu của em trai rồi khuyên tôi thi vào Khoa Sư phạm mỹ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự. Thi đỗ, cuộc đời tôi gắn bó với mỹ thuật từ đó - anh Hướng đáp.

Năm 1999, tốt nghiệp lớp sư phạm mỹ thuật, Nguyễn Chí Hướng lên công tác tại Sơn Động. Trước khi lên vùng cao dạy học, anh chưa hề đặt chân đến hay có chút hiểu biết nào về mảnh đất này. “Lớp tôi có 2 bạn người Sơn Động. Những câu chuyện bạn kể về vẻ đẹp của núi rừng cũng như nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây đã thôi thúc tôi đến với mảnh đất này để được khám phá, trải nghiệm”, anh Hướng chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu lên nhận công tác tại Trường Tiểu học xã An Bá, phương tiện đi lại khó khăn, anh phải mất hơn nửa ngày đi xe khách từ quê nhà Lục Nam lên trường. Có mặt tại đây khi trời đã nhá nhem tối, anh được người dân đưa đò qua sông An Bá để đến điểm trường. Dù đã nghe bạn kể nhưng anh không nghĩ cuộc sống của đồng bào vất vả đến thế. Hình ảnh những ngôi nhà lụp xụp dọc đường đi hay những đứa trẻ lam lũ chơi đùa bên dòng suối làm thầy giáo trẻ nhớ đến tuổi thơ của mình. Từ đó tự nhủ mình phải làm gì đó cho mảnh đất này, giúp những đứa trẻ tìm thấy ước mơ qua hội họa.

"Trái ngọt" đầu tiên

Sau 16 năm miệt mài gieo niềm đam mê mỹ thuật cho học trò tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Sơn Động, năm 2015, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng chuyển về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện nhận nhiệm vụ mới. Được đi nhiều hơn, khám phá, trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, mảnh đất và con người vùng cao Sơn Động, anh “thấm” hơn vẻ đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ đó anh bắt đầu ấp ủ sẽ kể lại những câu chuyện về cuộc sống của bà con bằng những bức họa. “Khi Bắc Giang trở thành tâm dịch Covid-19 của cả nước, các địa phương thực hiện phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”, tôi có thời gian thực hiện đam mê hội họa của mình. Ngày ấy gần như tôi chỉ ở trong phòng sáng tác những bức tranh bằng chất liệu sơn acrylic”, anh Hướng kể lại.

 Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng giới thiệu tranh tại triển lãm "Câu chuyện vùng cao".

Họa sĩ Nguyễn Chí Hướng giới thiệu tranh tại triển lãm "Câu chuyện vùng cao".

Bắt tay vẽ tranh không lâu song anh Nguyễn Chí Hướng sớm có được "trái ngọt" trong lần đầu tham gia trại sáng tác mỹ thuật về đề tài “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức năm 2021. Bằng vốn sống, đôi bàn tay tài hoa cùng sự nhạy cảm, tinh tế của người nghệ sĩ, trong 3 tuần, anh đã hoàn thành 4 bức tranh gửi dự thi gồm: "Xuống đồng sớm", "Chiều vàng", "Mùa hoa cải" và "Mùa xuân".

Anh không chỉ là tác giả có nhiều tác phẩm dự thi mà tác phẩm "Xuống đồng sớm" được ban tổ chức trao giải Nhì. "Xuống đồng sớm" vẽ người mẹ dân tộc Dao ở bản Nà Hin, xã Vân Sơn (Sơn Động) dắt trâu ra đồng từ sáng sớm với đứa con nhỏ ngồi trên lưng trâu. Tác phẩm thể hiện cuộc sống còn vất vả nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số luôn có tinh thần lao động hăng say.

Qua những gam màu rực rỡ, nét vẽ uyển chuyển, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng đã thổi hồn vào các tác phẩm khiến cho người xem như được hòa mình vào với thiên nhiên và đời sống văn hóa nhiều sắc màu của đồng bào các dân tộc vùng cao Sơn Động.

Thành quả đầu tiên trở thành động lực để họa sĩ Nguyễn Chí Hướng đi nhiều hơn, vẽ nhiều hơn. Đến nay, anh đã cho ra đời hơn 100 bức tranh bằng chất liệu sơn acrylic. Để quảng bá, giới thiệu về vẻ đẹp, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân dân tộc trong huyện, mới đây, anh cùng họa sĩ Trần Nguyên Thế (TP Hồ Chí Minh) tổ chức triển lãm với chủ đề “Câu chuyện vùng cao” tại Nhà triển lãm mỹ thuật, số 16, phố Ngô Quyền (TP Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 54 tác phẩm mỹ thuật, là lời tự sự được hai họa sĩ kể bằng ngôn ngữ hội họa, qua chất liệu sơn dầu và arcylic. Tại đây, Nguyễn Chí Hướng mang đến 24 tác phẩm. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn về cuộc sống bình dị của người dân vùng cao, phản ánh chân thực cuộc sống đời thường, những phong tục tập quán và chân dung những con người vùng cao mộc mạc, dung dị, gần gũi.

Qua những gam màu rực rỡ, nét vẽ uyển chuyển, họa sĩ đã thổi hồn vào các tác phẩm khiến người xem như được hòa mình với thiên nhiên và đời sống văn hóa nhiều sắc màu của đồng bào các dân tộc vùng cao Sơn Động. “Tôi đã gửi gắm cả một thời tuổi trẻ, đã gắn bó và yêu tha thiết mảnh đất, con người nơi đây nên muốn lan tỏa tình yêu ấy tới mọi người. Thông qua triển lãm, tôi muốn mời mọi người hãy về với quê hương Sơn Động để cảm nhận được tấm chân tình, lòng hiếu khách của bà con”, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng bày tỏ.

Lan tỏa nét đẹp truyền thống

25 năm sống và công tác ở huyện vùng cao Sơn Động, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng mở nhiều lớp luyện thi mỹ thuật miễn phí cho các em học sinh của huyện, giúp các em có năng khiếu hội họa được thỏa ước mơ. Trong đó có nhiều em thi đỗ vào các trường nghệ thuật, theo đuổi đam mê, nay đã thành đạt vẫn luôn giữ mối liên hệ gắn bó người thầy đã dìu dắt mình.

 Tác phẩm sơn acrylic "Đám cưới người Dao" của họa sĩ Nguyễn Chí Hướng trưng bày tại Nhà triển lãm mỹ thuật, số 16, phố Ngô Quyền (TP Hà Nội).

Tác phẩm sơn acrylic "Đám cưới người Dao" của họa sĩ Nguyễn Chí Hướng trưng bày tại Nhà triển lãm mỹ thuật, số 16, phố Ngô Quyền (TP Hà Nội).

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng cho biết, huyện Sơn Động có hơn 80 nghìn người, trong đó có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số, bà con còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo, đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Đó chính là những chất liệu quý để anh cũng như các họa sĩ thỏa sức sáng tạo, gửi gắm tâm tình qua từng nét vẽ. “Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến nhiều yếu tố truyền thống dần mai một nhưng anh luôn mong rằng, những bức tranh của mình góp một phần vào "kho tàng" lưu giữ giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương Bắc Giang.

Hiện thực hóa ước nguyện này, cùng với tiếp tục mở các lớp dạy vẽ cho học sinh trên địa bàn huyện, ngay sau khi kết thúc triển lãm “Câu chuyện vùng cao”, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng bắt tay vào sáng tạo những tác phẩm mới. Hiện anh đang tập hợp những học trò của mình để cùng xây dựng ý tưởng tổ chức triển lãm “Câu chuyện vùng cao 2” trong năm 2025.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hoa-si-nguyen-chi-huong-ke-cau-chuyen-vung-cao-qua-nhung-buc-hoa-100751.bbg