Họa sĩ Nguyễn Công Hoài: Vẽ từ những khắc khoải con người

Đã tổ chức 8 triển lãm cá nhân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia nhiều cuộc triển lãm chung nhưng họa sĩ 8X Nguyễn Công Hoài khá kín tiếng ngay cả với giới hội họa Đồng Nai. Hơn 15 năm theo nghề vẽ, chân dung là dòng tranh mà Nguyễn Công Hoài đeo đuổi. Các tác phẩm của anh có sự tự nhiên, gần gũi, dung dị và gợi mở, được tạo ra từ muôn vẻ người mà anh từng gặp.
Trò chuyện cùng Báo Đồng Nai cuối tuần, anh Nguyễn Công Hoài cho hay, nghệ thuật đích thực không bao giờ thể hiện vẻ bề ngoài của sự vật, hiện tượng. Nghệ thuật với anh như là một lẽ tự nhiên, như thức ăn, nước uống và điều đó càng làm anh sống chết với nghề.
Đam mê dòng tranh chân dung
Với hội họa, chủ đề nào luôn là sự lựa chọn của anh?
- Tôi chủ yếu vẽ chân dung. Công việc của tôi là hành trình khám phá sự mong manh của con người và những nỗi cô đơn thầm lặng ẩn giấu sau mỗi gương mặt, mỗi thân phận. Thông qua loạt tranh chân dung quy mô lớn về thời gian với bề mặt chất liệu dày đặc và thô ráp, tôi khắc họa sự tổn thương, những nỗi buồn được thời gian in dấu trên những gương mặt.
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984, tại Quảng Trị, hiện sinh sống ở Đồng Nai. Anh đã có nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm trong và ngoài nước như: Những người xung quanh tôi (2015), Mặt (2016), Ngột ngộp (2018), Những ngày không mơ mộng (2021), Nghe những tàn phai (2022), Đi biển có đôi (2023), Gửi gió theo mây ngàn (2023), Gió thổi mây bay (2024) và giành giải nhất Cuộc thi Hàn Quốc dưới con mắt họa sĩ trẻ Việt Nam...
Những lớp sơn dày, những nét cọ vụn vỡ trong tranh của tôi không chỉ là lựa chọn thẩm mỹ, mà còn là ngôn ngữ, là con người của chính tôi khi ngắm nhìn thế giới này thông qua những gương mặt hiện diện xung quanh, một phần thế giới như tôi thấy. Với tôi, vẽ chân dung không chỉ là tái hiện diện mạo, mà là khôi phục sự hiện diện, cái đẹp luôn hiện hữu. Mỗi gương mặt là một lời khẳng định thầm lặng: rằng sau mỗi ánh nhìn là một câu chuyện, một nỗi đau và một sự tồn tại không thể phủ nhận.
Tôi không vẽ người cụ thể, tôi vẽ cái nhìn của tôi về thế giới này và khoảng lặng giữa những lần họ không thể cất tiếng.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Công Hoài.
Chỉ lựa chọn một chủ đề, có khi nào anh cảm thấy mệt và mông lung với sự lựa chọn của mình?
- Thật sự thì cũng có những lúc cảm thấy thiếu năng lượng, cạn ý tưởng. Thế nhưng, đó chỉ là một quãng nhất thời. Những lúc ấy, thay vì chăm chú vào vẽ chân dung, mình có thể chuyển hướng, một cách có chừng mực, trong một khoảng lặng nào đó, vẽ tĩnh vật, phong cảnh hay gì đó chẳng hạn. Để rồi khi được cài đặt lại bản thân, tôi lại tiếp tục đi đến cùng với chủ đề chân dung mà mình theo đuổi từ lúc theo nghiệp vẽ.
Hơn 15 năm theo đuổi hội họa, bản thân anh quan niệm nghệ thuật đích thực là gì?
- Khi làm việc đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng: Làm nghệ thuật không chỉ là một lựa chọn hay đam mê, mà là nhu cầu thiết yếu, như: ăn để sống, tắm để gột rửa, nghỉ ngơi để hồi phục, tận hưởng để cảm nhận sự tồn tại. Nó là điều bạn không thể chối bỏ, không thể trì hoãn, bởi nó đã trở thành một phần bản năng.
Và rồi, danh vọng, tiền bạc hay những chông gai trên con đường sáng tạo cũng chỉ mang giá trị tương đương với sự phù phiếm mà nghệ thuật có thể mang lại. Chúng đến rồi đi, như những con sóng nhỏ trên bề mặt của một đại dương sâu thẳm, nơi nghệ thuật thật sự thuộc về. Dù tiến hay lùi thì bạn vẫn phải bước đi.

Du khách xem triển lãm Gió thổi mây bay của họa sĩ Nguyễn Công Hoài tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Nghệ thuật làm con người sống đẹp hơn
Nhưng để theo đuổi nghệ thuật là điều không dễ dàng, trên con đường đó, anh giữ tâm thế ra sao?
- Tôi nghĩ, người nghệ sĩ thực sự là những người với khả năng tự rèn luyện cao, trải nghiệm và khả năng tiếp thu thế giới bên ngoài, họ sẽ đi con đường của họ.
Tôi rất hạnh phúc khi được vẽ, được là chính mình và tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, dù con đường rất khó khăn. Tôi vẽ là bởi tôi rung động. Tôi rung động trước những uẩn ức của con người, của những thân phận.
Tôi vẽ những người xung quanh mình và cả tôi. Nhưng tôi không chắc họ có đang sống hay chỉ đơn giản là tồn tại. Tôi vẽ cho xót xa, yêu thương những phận người đang sống và tồn tại. Tôi vẽ họ như là vẽ chính mình vậy.
Xót xa, yêu thương những phận người và mang nó vào nét vẽ của mình, thiên chức của nghệ thuật, theo anh có phải là hướng con người ta tới điều tốt đẹp hơn?
- Với riêng tôi, hội họa là sự phơi bày. Sử dụng chất liệu dầu trên toan, tôi vẽ bằng những nét cọ thô ráp, mãnh liệt, với các mảng màu tương phản, để tái hiện sự kiên cường của con người trước dòng chảy cuộc đời, từ ánh mắt từng trải, khoảnh khắc cảm xúc bùng nổ, đến sự tan biến của một thân phận. Mỗi bức tranh là một lời tự sự, phản ảnh những vết sẹo tinh thần và sức mạnh đối mặt với thời gian, đồng thời phơi bày sự đối lập đầy ám ảnh giữa khao khát tuổi trẻ và sự bất lực của tuổi già, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa tồn tại và biến mất. Nó kéo con người đối diện với chính bản thể mình - trần trụi, giằng xé và mắc kẹt trong chính những khát khao không bao giờ nguôi.
Nghệ thuật, rốt cuộc, không mang đến giải thoát. Nó chỉ mở rộng tầm nhìn, phóng chiếu ánh sáng vào góc khuất để ta thấy rõ hơn con đường mình đang đi, một con đường không có lối ra, chỉ có sự nhận thức ngày càng sâu sắc về vòng tròn bất tận của cuộc sống. Khi mình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật, đi đến cùng niềm đam mê thì sẽ bớt đi những ham muốn tầm thường, và vì thế cuộc sống có lẽ sẽ đẹp hơn.
Trong tương quan hội họa thế giới, hội họa Việt Nam đang ở đâu, thưa anh?
- Hội họa ở Việt Nam đã phát triển nhiều, những người trẻ đi sau cũng rất tài năng và có điều kiện để sáng tác tốt hơn. Mặc dù vậy, từ góc nhìn của các trung tâm hội họa thế giới thì mình vẫn ở vùng rìa. Đó có thể là do sự khác biệt về văn hóa, cách nhìn nhận giữa phương Tây và phương Đông hay cách mà thế giới hiểu biết về hội họa Việt Nam.
Điều cần thiết hiện nay là cần phải quảng bá càng nhiều chương trình, cuộc thi hội họa thế giới đến với nghệ sĩ trong nước, nhất là các bạn trẻ, để họ có thể tham gia. Khi đó, chúng ta học hỏi thêm được nhiều kiến thức từ những nền hội họa nổi tiếng và nếu đoạt được các giải thưởng thì cũng là cơ hội để hội họa Việt Nam vươn ra thế giới!
Xin cảm ơn anh!