Họa sĩ Thủ đô nâng cao chất lượng sáng tác và quảng bá mỹ thuật
Trong những năm qua, mỹ thuật Hà Nội cùng chung dòng chảy của các loại hình nghệ thuật khác đã tạo nên một thị trường phát triển mạnh. Điều đó thể hiện qua các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh với tần xuất dày đặc. Tuy nhiên vấn đề chất lượng nghệ thuật và quảng bá tác phẩm vẫn là yếu tố đáng được quan tâm trong hiện tại và tương lai.
Qua các hoạt động của Hội mỹ thuật Hà Nội có thể thấy, cùng với vận động sáng tác, Hội đã duy trỉ tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô hàng năm định kỳ vào dịp 10/10, trở thành truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tạo hình của thủ đô. Triển lãm là một hoạt động trọng tâm của Hội nhằm công bố tác phẩm với trưng bày những sáng tác mới của hội viên. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô còn là quảng bá mỹ thuật, mở rộng nhu cầu đời sống văn hóa nghệ thuật tạo hình đến với công chúng.
Bước sang thế kỷ 21, Hội mỹ thuật Hà Nội đã làm được 20 cuộc triển lãm, số lượng tác phẩm được lựa chọn để trưng bày lên đến trên 4.000 tác phẩm tranh, tượng, với nhiều chất liệu, thể loại, kích thước đề tài. Triển lãm mỹ thuật Thủ đô thực sự thu hút nhiều thế hệ tác giả tham gia. Hoạt động sáng tác và Triển lãm góp vào sự hào hoa thành lịch người Hà Nội,với truyền thống văn hóa ngàn năm văn hiến.
Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến, hiện thực cuộc sống là nguồn nuôi dưỡng sáng tác và gợi mở những cái mới mà nghệ thuật tìm kiếm. Những yếu tố địa dư, môi trường thiên nhiên, con người, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa nghệ thuật, đã tác động đến sáng tác nghệ thuật, tạo nên những đặc điểm, đặc trưng, phong cách Mỹ thuật Thủ đô. Những vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tác, đề cao bản sắc dân tộc luôn được đặt ra, để phát triển phong cách tác giả, từng bước hội nhập với mỹ thuật thế giới.
Mỹ thuật Thủ đô với một đội ngũ nghệ sĩ tạo hình là lực lượng sáng tác ngày càng lớn mạnh, lấy nội dung cuộc sống, con người, thiên nhiên đất nước làm nguồn cảm hứng sáng tạo; mở rộng tìm tòi nghệ thuật, đa dạng, phong phú đề tài tác phẩm.
Hội Mỹ thuật Hà Nội trong nhiều năm qua đã tích cực triển khai công tác, thúc đẩy hoạt động, tổ chức các “Chuyến đi thực tế một ngày”, hoặc các “Trại sáng tác” để tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận cuộc sống để sáng tác. Các họa sĩ, điêu khắc đi vào nhiều đề tài, khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống để sáng tác, các loại tranh: sinh hoạt, phong tục, lễ hội, sản xuất, xây dựng, lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ quốc, đến các loại chân dung, phong cảnh Hà Nội. Tác giả sáng tác và đưa ra triển lãm, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, công bố tác phẩm với xã hội. Nhà nghiên cứu cũng cho rằng, mỗi tác giả phải nâng cao chất lượng sáng tác, tự vượt mình, để góp vào thành tựu chung.
“Về quảng bá tác phẩm phầm mỹ thuật, trước hết phải được trưng bày, ngoài ra còn phải in ấn xuất bản sách giới thiệu tác phẩm. Quảng bá mỹ thuật chính là đưa tác phẩm vào đời sống, đến với công chúng”, họa sĩ Trần Văn Chiến khẳng định.
Họa sĩ cũng cho rằng, để quảng bá tác phẩm đến với công chúng, cần thiết phải có Nhà Triển lãm và thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Thủ đô để lưu giữ và quảng bá tác phẩm. Kết quả sáng tác của các họa sĩ Hà Nội từ trước đến nay có số lượng lớn và có nhiều tác phẩm mang giá trị cao, rất cần có một Bảo tàng để lưu giữ truyền bá, tránh những tác phẩm tốt lại để nước ngoài sưu tập mất như nhãn tiền đã thấy.