Họa sĩ tiên phong phát triển tranh lụa nước nhà - Nguyễn Thụ qua đời
Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong những họa sĩ đầu tiên phát triển nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, đã qua đời tại Hà Nội, ở tuổi 93.
Ngày 25-6, Hội Mỹ thuật Việt Nam thông tin, họa sĩ Nguyễn Thụ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, đã từ trần vào hồi 21h14 ngày 24-6.
Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, tại Hoài Đức (Hà Nội). Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia vẽ truyên truyền cho cách mạng. Ông là một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (sau này là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại và giảng dạy tại trường. Ông giữ nhiều vị trí quan trọng như Phó Hiệu trưởng (1979-1984), Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1985-1991). Ông đã được phong học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Họa sĩ Nguyễn Thụ dành cả cuộc đời để nghiên cứu, tìm tòi, giảng dạy tranh lụa và tạo dấu ấn riêng với thể loại này. Đề tài sáng tác của ông phong phú, từ chân dung, phong cảnh, đời sống, sinh hoạt đến chiến tranh, cách mạng…
Tranh của ông có hình ảnh và bố cục đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, nét vẽ phóng khoáng. Các tác phẩm nổi bật có: “Núi rừng là của con, nhà máy cũng của con” (1960), “Bác Hồ đi công tác” (1970), “Làng ven núi” (1976), “Mẹ con” (1987), “Bên bếp lửa” (1994)... Ông từng đoạt nhiều giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thụ được lưu trữ và giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tham gia nhiều triển lãm quốc tế ở Đức, Pháp, Ba Lan, Bulgaria, Australia...