Họa sĩ Trần Phúc Duyên: Hành trình về cội

Hơn 70 năm sau khi rời Việt Nam, di sản của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993) một lần nữa lại có dịp trở về quê hương, để khán giả có thể hiểu hơn về tài năng, cuộc đời và những tâm sự xa quê của một bậc thầy trong lĩnh vực tranh sơn mài. Bất chấp khoảng cách địa lý và thiếu thốn về tài nguyên, Trần Phúc Duyên dành trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu, thử nghiệm và sáng tạo với sơn mài, thành công trong việc đưa sơn mài đi từ mỹ nghệ tới mỹ thuật.

Hành trình trở về

Họa sĩ Trần Phúc Duyên thuộc thế hệ sau cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cùng là họa sĩ Đông Dương sống và làm việc tại châu Âu (gồm: Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Phạm Tăng...), nhưng chỉ duy nhất Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo và xuyên suốt cho các sáng tác hội họa của mình.

Ông cũng tự nhận là một "artiste laqueur" (họa sĩ sơn mài) từ những năm đầu 1950, khi còn ở Hà Nội. Ông ghi danh hiệu đó đằng sau các bức tranh sơn mài của mình. Và trên thực tế cũng như về căn bản, ông đã tiếp tục và kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình ở chính vai trò đó.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Phần lớn cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên là ở châu Âu. Ông có 25 triển lãm cá nhân, trong đó 23 triển lãm tại Pháp và Thụy Sĩ. Ông sống cô đơn, không gia đình, toàn bộ tình yêu và tâm huyết của ông dành cho hội họa.

Cơ duyên cho hành trình trở về nguồn cội của họa sĩ Trần Phúc Duyên bắt đầu từ tình yêu nghệ thuật của hai người trẻ. Anh Phạm Quốc Đạt kể về quá trình tìm đến những tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. Đó là năm 2017 - 2018, trong quá trình tìm kiếm và sưu tầm, anh tìm thấy bài viết của một họa sĩ đi du lịch Thụy Sĩ, người đó viết Thụy Sĩ thì không có gì đặc biệt cả. Nhưng ở một góc khuất của thành phố Bern (Thụy Sĩ), chị biết được câu chuyện của một người họa sĩ đã mất cách đây hơn 20 năm. Ông để lại kho tàng của mình ngủ quên ở trên nóc một tòa lâu đài ở Thụy Sĩ.

Sau nhiều năm, lâu đài này đã bị bán đi, người chủ mới đã tìm đến bà Trần Tường Vân - cháu gái cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. Vì nỗi đau mất đi người chú thân yêu quá lớn, bà Vân đã giao lại toàn bộ di sản của họa sĩ Trần Phúc Duyên cho một phòng triển lãm tại Thụy Sĩ và bán một số bức tranh trên thị trường. Hai nhà sưu tầm Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh khi ấy đã mua lại 2 bức tranh của cố họa sĩ. Họ biết ông có hơn 100 bức tranh cùng toàn bộ giấy tờ, sổ sách các loại. Khi đó, họ đã bàn bạc và quyết định bay sang Pháp để gặp gia đình cố họa sĩ để mua lại toàn bộ tranh, hiện vật và lên kế hoạch 5 năm để đưa tất cả di sản của Trần Phúc Duyên về lại quê hương Việt Nam.

Theo nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt, những tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên dù sáng tác ở Pháp hay Thụy Sĩ đều là những tác phẩm yêu thương Việt Nam. Bức “Thời gian đã ngưng lại”, ông sáng tác năm 1954 khi ông đã rời xa đất nước, rất xúc động. Tôi cảm thấy có trách nhiệm đưa di sản văn hóa của ông về Việt Nam”.

Cuốn sách “DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” ra đời sau 6 năm chuẩn bị bởi hai nhà sưu tập Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) nhờ vào một cơ duyên tình cờ phát hiện ra “kho báu” các tác phẩm đồ sộ của họa sĩ Trần Phúc Duyên đã bị lãng quên ở một nơi xa xôi, tại ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sĩ, nơi ông sống và làm việc từ năm 1968 cho đến khi qua đời năm 1993.

Với mong muốn giới thiệu với công chúng Việt Nam di sản nghệ thuật đặc biệt của Trần Phúc Duyên, hai nhà sưu tập Phạm Lê đã lên kế hoạch 5 năm để tổ chức triển lãm “Họa Duyên Tương Ngộ” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2023 và cho ra đời cuốn sách này vào năm 2024 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương. Đây là cuốn sách giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993) - người họa sĩ có cuộc đời và sự nghiệp khác biệt nhưng tự do, cống hiến hết mình cho mỹ thuật sơn mài.

Di sản của một họa sĩ

Trong sự nghiệp của họa sĩ Trần Phúc Duyên, người xem có thể nhận ra ba lối tranh rõ rệt: phong cách Đông Dương, tranh thiền họa có biểu tượng và cuối cùng là tranh trừu tượng tối giản thuần túy.

Tại buổi ra mắt cuốn sách “DUYÊN: Hiện thực, Trừu tượng, Thiền họa” anh Phạm Quốc Đạt chia sẻ về di sản mà họa sĩ Trần Phúc Duyên để lại: “Điểm thu hút đầu tiên trong di sản của họa sĩ Trần Phúc Duyên là những bức tranh phong cảnh về Việt Nam rất đẹp. Khi đi sâu vào tìm hiểu, tôi biết rằng ông đã không dừng lại với những bức phong cảnh trữ tình với khung màu đặc trưng Đông Dương. Bởi sang châu Âu, không còn làm việc được với sơn ta, ông đã đổi mới chất liệu và từ đó đổi mới cả về phong cách. Tranh của ông ít tông màu tương phản mà dùng nhiều màu vàng, phủ bụi thời gian, để giữ đặc tính sơn mài nhưng đồng thời tạo nên ngôn ngữ riêng của mình.

Ngoài ra, một mảng quan trọng trong di sản Trần Phúc Duyên là đến cuối đời ông quay về với chất Phương Đông của mình qua thiền họa, đưa thủy mặc lên sơn mài. Càng nghiên cứu tôi càng cảm nhận được tinh thần Á Đông trong con người Trần Phúc Duyên, đó là những bức tranh nhỏ xinh, chi tiết được lược bỏ hết để lại những khoảng trống của nội tâm. Có thể nói, ông đã đi từ đơn giản đến phức tạp, đi từ Đông sang Âu rồi sau đó, trước khi rời cõi tạm, ông lại quay về với chính con người của mình. Đó là điểm khác biệt trong lối hội họa của Trần Phúc Duyên”.

Một tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Một tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định: “Trần Phúc Duyên sử dụng sơn điêu luyện, thanh thản như một họa sĩ, nhà thư pháp Trung Hoa sử dụng mực. Có thể nói, đưa thủy mặc vào trong sơn mài, hội họa Trần Phúc Duyên dường như đã đi thêm một bước đáng kể từ phần cốt sang phần hồn, từ thể xác sang nội tâm, từ tả thực sang tượng trưng gợi mở”.

Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng viết: “… Họa sĩ thì thiền bằng chính hội họa của mình. Nếu chỉ theo đuổi lối hội họa sơn mài phong cảnh thì phong cách Trần Phúc Duyên cũng chỉ dừng lại ở những điểm chung của dòng tranh Đông Dương. Nhưng ông đã rẽ sang hướng khác, không phải vì muốn khác biệt hay hay hơn, mà vì toàn bộ những gì ông trải qua, cuộc sống thực tại của chính ông đưa ông đến Trừu tượng và Thiền họa…”.

Ông là một họa sĩ đã dành toàn bộ tình yêu cho nghệ thuật. Ký ức về Việt Nam của ông dừng lại ở năm 1954 khi ông rời xa đất nước nên tranh của ông có “chất thơ và chất mơ”, ông vẽ trong tâm, vẽ bằng câu chuyện của quá khứ. Trong cuộc phỏng vấn năm 1964 ông từng khẳng định: “Tôi muốn nâng nghệ thuật sơn mài lên ngang tầm sơn dầu, tôi muốn kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật phương Đông và phương Tây, tôi muốn lột tả những mô típ của phương Đông trên tinh thần phương Tây”. Và ông đã làm được điều đó trong hành trình sống và vẽ của mình.

Giám tuyển Ace Lê nhận định: “Trần Phúc Duyên là một trong những danh họa sơn mài quan trọng nhất tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây”.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh ra trong một gia đình có nền tảng văn hóa lâu đời ở Hà Nội. Nhà ông có xưởng gỗ Phúc Mỹ ở số 1 phố Đặng Dung, chuyên làm sơn mài và decor nội thất, vì thế nên ông chọn khoa sơn mài của Trường Mỹ thuật Đông Dương để theo học. Ông sang Pháp để mang nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Trong suốt cuộc đời mình, Trần Phúc Duyên như một người lữ hành lặng lẽ đầy nội tâm nhưng ông đã để lại một di sản quý giá về vẻ đẹp của Việt Nam trong nghệ thuật sơn mài.

Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hoa-si-tran-phuc-duyen-hanh-trinh-ve-coi-i756808/