Họa sĩ trẻ kể chuyện môi trường bằng tranh
Những năm gần đây, cái tên Lê Thị Thanh đã trở thành niềm tự hào của nền mỹ thuật xứ Thanh khi liên tục gặt hái được thành tích đáng tự hào. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của chị không thể không nhắc đến giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc của những bức tranh về đề tài ô nhiễm môi trường.
Họa sĩ trẻ Lê Thị Thanh và các họa sĩ xuất sắc giành giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019. Ảnh: P.V
Cái chất hiện đại của thạc sĩ, họa sĩ trẻ Lê Thị Thanh, giảng viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được thể hiện rất rõ trong cách chị nỗ lực cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Họa sĩ Lê Thị Thanh sinh ra để dành cho hội họa, tin tôi đi, có những định mệnh rõ ràng, đinh ninh như thế, chẳng phải tô vẽ hay huyễn hoặc điều gì. Bởi lẽ, từ những ngày chập chững cầm cọ nguệch ngoạc vẽ nên thế giới sắc màu trong niềm yêu thích con trẻ cho đến khi thành danh, con đường đến với hội họa của họa sĩ Lê Thị Thanh vẫn luôn kiên định, nhất quán.
Chính khao khát được sống trọn với đam mê đã trở thành nguồn động lực giúp chị bền bỉ bước đi và luôn tỏa sáng trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Nhiều năm liên tiếp, chị Thanh đều “thắng lớn” tại các cuộc triển lãm khu vực, toàn quốc... Năm 2013, chị đoạt giải ba của Triển lãm Tranh cổ động, tuyên truyền về bình đẳng giới do Cục Văn hóa cơ sở và Vụ Bình đẳng giới phối hợp tổ chức với tác phẩm “Quà tặng của hạnh phúc, hãy bảo vệ dù trai hay gái”. Điều đặc biệt, chị là họa sĩ nữ duy nhất đoạt giải trong cuộc triển lãm này. Tiếp nối thành công, năm 2014, bộ tác phẩm “Thực và ảo” do chị Thanh sáng tác đoạt giải khuyến khích Festival mỹ thuật trẻ 2014 do Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức. Chị Thanh cho biết: “Đây là bộ tranh đầu tiên chị thử sức mình với chất liệu in lưới. Chính chị cũng không thể ngờ được rằng “mình có thể thành công ngay từ lần thử sức đầu tiên như vậy”. Năm 2015, chị Thanh giành giải nhất khu vực với tác phẩm “Huyền thoại Sầm Sơn” trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 20 và xuất sắc đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu “mốc son chói lọi”, giải “cơn khát Huy chương Vàng” cho nền mỹ thuật xứ Thanh sau chặng đường dài 20 năm tham gia các cuộc triển lãm khu vực chưa một lần có giải nhất. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật, không chấp nhận “ngủ quên trên chiến thắng”, năm 2016, bộ tranh “Thực và ảo” của họa sĩ Lê Thị Thanh đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Đồ họa ASEAN lần thứ 2 – 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Như có một sợi dây vô hình gắn kết chị với kỹ thuật in lưới, sau 2 năm tạm gác lại bao khát khao, dự định để làm tốt “thiên chức của người mẹ”, năm 2019, chị Thanh “tái xuất rực rỡ” khi giành giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ được tổ chức tại Nghệ An với bộ tác phẩm “Cứu”. Tháng 9–2019, bộ tác phẩm “Cứu” tiếp tục đoạt giải ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngắm nhìn những bức tranh đã từng đoạt giải thưởng được chị Thanh dụng công bày biện trong không gian phòng khách tại tư gia mới thấy hết được khả năng sáng tạo, sức làm việc của người nghệ sĩ ấy mạnh mẽ, bền bỉ như thế nào.
Vẫn được sáng tạo bằng kỹ thuật in lưới vốn đã trở thành “thương hiệu” của họa sĩ trẻ Lê Thị Thanh nhưng bộ tác phẩm “Cứu” có những nét độc đáo, mới lạ hơn cả trên phương diện nội dung và hình thức thể hiện. Thử nghiệm chất liệu mới: In thủy ấn độc bản kết hợp in lưới để làm nên tác phẩm đồ họa có kích thước tương đối lớn được xem là nỗ lực bứt phá đầy táo bạo của chị. Chính sự táo bạo ấy đã làm nên tác phẩm có tính nghệ thuật cao, gây ấn tượng mạnh mẽ trước hội đồng nghệ thuật và công chúng yêu hội họa. Để có thể hoàn thành bộ tác phẩm này, chị đã phải trăn trở gần một năm với cả trăm lần in mới có thể đạt được hiệu quả mong muốn. “Kỹ thuật in lưới cho phép in được nhiều lớp, các lớp màu chồng lên nhau trùng khít, từ đó mang lại chiều sâu trong không gian của bức tranh. Đặc biệt, khi kết hợp với kỹ thuật thủy ấn độc bản trên khổ lớn sẽ tạo ra họa tiết, hoa văn đẹp ngẫu nhiên, nằm ngoài khả năng tạo tác của ngòi bút hội họa” - chị Thanh chia sẻ. Ngoài yếu tố kỹ thuật, nội dung là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của tác phẩm này. Thông qua hình ảnh con rùa biển phải khệ nệ đeo chiếc túi ni lông như cái thòng lọng ngày càng thít chặt lấy cổ và những đàn cá nhỏ phải bơi lội giữa những vệt dầu loang, ngổn ngang rác thải nhựa, bộ tác phẩm “Cứu” xoáy sâu vào thực trạng “ô nhiễm môi trường” – “vấn đề nóng” toàn cầu. Chị Thanh trăn trở: “Ô nhiễm môi trường là nỗi đau không chỉ của riêng tôi mà của toàn nhân loại. Đủ thứ rác thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày tưởng chừng như rất tiện nghi, văn minh của loài người đã trở thành nỗi ám ảnh, dần bức tử môi trường tự nhiên”. Xuất phát từ sự trăn trở, đau đáu về thực trạng diễn ra trong đời sống hằng ngày kết hợp với cảm xúc thương nhớ những không gian xưa cũ trong lành, thân thiện, họa sĩ Lê Thị Thanh đã cất lên tiếng kêu cứu cho tự nhiên và cho chính loài người; từ đó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, kêu gọi mọi người hãy biết chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ - 2019, ngoài bộ tác phẩm “Cứu”, họa sĩ Lê Thị Thanh còn giới thiệu với công chúng tác phẩm “Hãy cứu”. Tác phẩm thu hút người xem bởi cách xây dựng hình tượng nghệ thuật sáng tạo, độc đáo, ngôn ngữ sắc màu tươi sáng, hòa quyện đủ sức chuyển tải thông điệp của tác giả. Với hình tượng con cá được cấu thành từ các loại rác thải như con ác quỷ đại dương đang ngoác miệng rình rập, chực chờ tấn công, “hất cẳng” những sinh vật khác ra khỏi môi trường sống vốn thuộc về chúng, tác phẩm “Hãy cứu” là sự lên tiếng một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của người họa sĩ trẻ trước thực trạng ngày càng đáng báo động về ô nhiễm môi trường.
Cũng xuất phát từ những trăn trở về vấn nạn ô nhiễm môi trường, bộ tác phẩm “Thời sự” gồm 7 tác phẩm mini của họa sĩ Lê Thị Thanh là cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề của môi trường, từ bầu trời – mặt đất – đại dương... Vừa qua, bộ tác phẩm này đã tham gia Triển lãm Tranh in mini toàn quốc do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Có ý kiến cho rằng: Sáng tác nghệ thuật về những đề tài mang tính thời sự, xã hội là người nghệ sĩ đang tự giới hạn sự thăng hoa, “chất nghệ” của mình. Vì thế, các tác phẩm thuộc mảng đề tài này dễ rơi vào thể loại tranh áp phích mang tính tuyên truyền, cổ động. Nhưng đối với họa sĩ Lê Thị Thanh, chẳng có sáng tạo nào xa rời hiện thực bỏng rẫy đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong cuộc sống này. Quan trọng hơn tất thảy: “Để có thể trở thành tác phẩm mỹ thuật đúng nghĩa, bản thân nó phải đem lại cảm xúc thẩm mỹ. Cái làm nên sự rung động, đồ sộ của tác phẩm nghệ thuật không nằm ở đề tài, kỹ thuật, chất liệu mà cốt lõi ở tư tưởng thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật mà nó mang lại, hướng người xem đến những giá trị chân – thiện – mỹ”. Quan điểm nghệ thuật ấy người xem có thể dễ dàng nhận trong các sáng tác của họa sĩ Lê Thị Thanh. Vì lẽ đó, dù sáng tác những bức tranh về đề tài ô nhiễm môi trường nhưng chị vẫn lựa chọn sử dụng gam màu tươi sáng, sinh động. Chị thẳng thắn chia sẻ: “Tôi là họa sĩ – người bạn của sắc màu. Và tôi sử dụng sức mạnh, lực hấp dẫn của thế giới sắc màu ấy để kể chuyện, truyền cảm hứng, góp phần thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm xã hội của mỗi con người”. Qua những bức tranh về đề tài môi trường, tôi muốn nhắn nhủ với công chúng rằng: “Cuộc sống của chúng ta vẫn đẹp lắm, chúng ta phải thay đổi hành vi, thói quen xả rác bừa bãi để cứu lấy nó. Chứ cuộc sống mà nhìn đâu cũng thấy nó đã đen xì thì tồi tệ quá, vô phương cứu chữa mất rồi. Chức năng của nghệ thuật và cái “tâm”, cái “tầm” của người nghệ sĩ chính là nằm ở đó”.