Họa sĩ... viết truyện trinh thám

Ngoài lĩnh vực mỹ thuật đã thành danh, họa sĩ Vi Quốc Hiệp, hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, còn ghi dấu ấn cá nhân khá đậm nét trên lĩnh vực thơ, nhạc. Đặc biệt hơn khi ông là tác giả của 5 cuốn truyện trinh thám.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp

Ở tuổi 74, họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẫn như chàng trai ngoài 30: trẻ, khỏe, tràn đầy năng lượng sáng tạo. Ông bảo, ấy là vì bản thân đã luôn kiên trì, bền bỉ tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, bên cạnh việc áp dụng một chế độ ăn, uống hợp lý, cùng một tinh thần vui vẻ, một thái độ lạc quan trước cuộc đời và với con người nên mới giữ được sự tươi trẻ lâu như vậy. “Từ thời trẻ trai đến giờ, tôi vẫn giữ thói quen thức dậy trước 5 giờ để chạy bộ, tập tạ, đứng lên ngồi xuống, rồi xoa bóp mặt, cổ, đầu, chân, tay, bụng, ngực, tai... trong vòng 40 phút, sau đó thì tắm rửa sạch sẽ, ăn sáng và lao vào vẽ. Tôi hàng ngày ăn nhiều loại đậu, các loại củ, quả và hạn chế tối đa việc ăn thịt, rau. Quan trọng nhất, tôi luôn giữ một tinh thần lạc quan, một thái độ sống cởi mở, chân thành với mọi người và nghề nghiệp”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp nói.

Chính lối sống ấy, giữ cho ông thật sung sức trong công việc và dồi dào sự thanh tân. Các tác phẩm của họa sĩ Vi Quốc Hiệp cũng vì thế mà ngày một dày thêm, không chỉ có tranh, còn là nhạc, là thơ và cả... truyện trinh thám. Ông chia sẻ rằng, việc viết truyện trinh thám đến từ gợi ý của một người bạn và vì một thúc bách khác, chứ bản thân không có ý định trở thành nhà nọ, nhà kia. “Chẳng là vào những năm 90 của thế kỷ 20, gia cảnh nhà tôi lúc bấy giờ rất khó khăn. Tôi thì tạm thời nghỉ việc ở cơ quan, không có lương 1-2 năm. Trong khi hai đứa con nhà tôi đang tuổi ăn, tuổi học. Đã thế, chúng lại sắp sửa thi lên đại học. Bỗng một hôm, có người bạn mới quen tên Sơn, chủ một tiệm sách cho thuê ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh, đề nghị: “Hay là anh thử viết truyện trinh thám đi. Em thấy anh hay đọc truyện trinh thám. Cứ một cuốn sách anh viết ra được in, em sẽ trả cho anh 1 triệu đồng/1.000 bản”. Thế là tôi bắt đầu viết”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho hay.

Trước đó, ông hay lui tới chỗ anh Sơn để mua sách trinh thám, truyện kiếm hiệp về đọc. Trong một lần ghé mua sách, anh Sơn đã gợi ý họa sĩ Vi Quốc Hiệp nên mở tiệm sách cho thuê ở TP Đà Lạt. Bởi anh Sơn nghĩ, công việc này phù hợp với niềm đam mê và sự hiểu biết của ông. Ngoài ra, anh Sơn còn hứa sẽ là người cung cấp nguồn sách cho họa sĩ Vi Quốc Hiệp. “Từ lời đề nghị của anh Sơn, tôi đã mở một tủ sách cho thuê, tại số 22 đường Trần Phú, TP Đà Lạt. Ở thời điểm đó, các phương tiện giải trí như phim ảnh, ti vi, đài, báo còn hạn chế, Internet thì chưa có, nên nhu cầu đọc sách rất cao, nhất là các loại truyện tình cảm, kiếm hiệp, trinh thám”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho biết. Ngặt nỗi, các tiệm sách cho thuê ở Đà Lạt, kể cả Thư viện tỉnh Lâm Đồng, rất ít những cuốn sách viết về trinh thám, kiếm hiệp... phục vụ bạn đọc. Nhận thấy nhu cầu của độc giả, anh Sơn nói ông viết thử truyện trinh thám như đã kể ở trên. Thật may, thuở thiếu niên, cậu bé Hiệp đã được thân phụ kể cho nghe những truyện trinh thám của các nhà văn nước ngoài. Tiêu biểu trong số đó có nhà văn người Anh Conan Doyle, với tác phẩm Sherlock Home và nhà văn người Ukraina Yuri Dold Mikhaylik, với tác phẩm Nam tước Von Goldring. Những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn trong truyện của Conan Doyle và Yuri Dold Mikhaylik khiến cho cậu bé Hiệp cứ gọi là mê mẩn. Tình yêu với truyện trinh thám lớn dần, cậu bé Hiệp tiếp tục tìm đọc các truyện trinh thám do nhà văn Việt Nam viết. Nhà văn Thế Lữ và nhà văn Phạm Cao Củng là hai tác giả viết truyện trinh thám cậu bé Hiệp rất thích và thường tìm đọc các tác phẩm của hai ông có trong Thư viện tỉnh Thái Nguyên. “Hồi ấy, mẹ tôi là Phụ trách Thư viện tỉnh Thái Nguyên. Nghỉ hè, tôi tha hồ lục lọi các loại sách, báo có trong Thư viện tỉnh Thái Nguyên và đọc lia lịa. Tất nhiên, truyện trinh thám vẫn luôn là một ưu tiên, bên cạnh các tác phẩm văn học lớn trên thế giới”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhớ lại.

Quả nhiên, qua 5 cuốn tiểu thuyết trinh thám của ông đã được xuất bản bao gồm Giang hồ nghĩa tử, Bông sao biển đen, Bí mật pho tượng gỗ mun, Vết thù họ Tạ và Hai mươi năm tình cũ, độc giả nhận thấy tác giả khá chắc tay trong xây dựng cốt truyện, tình tiết, tâm lý nhân vật. Thời gian diễn biến của câu chuyện dài, không gian xảy ra vụ án rộng, những tình tiết thì đan xen, chồng xếp rất ly kỳ, bí ẩn. “Chỉ trong vòng 2 năm, 1992-1993, tôi viết xong 5 cuốn tiểu thuyết trinh thám. Như vậy, cứ 2 tháng, tôi viết xong 1 cuốn, kiếm được 1 triệu đồng, bằng 2 chỉ vàng, cộng thêm tiền cho thuê sách, cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn. Bấy giờ, tôi bắt đầu lao vào vẽ và Gallery Huyền Trân ra đời là kết quả của sự nỗ lực lao động không ngưng nghỉ”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp phấn khởi.

Tất cả các cuốn tiểu thuyết trinh thám của mình, ông đều lấy bút danh Thanh Quốc Vi, với mục đích không để mọi người biết tác giả của những cuốn sách đó là một họa sĩ.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202202/hoa-si-viet-truyen-trinh-tham-3103460/