Họa sỹ Burchett: 'Cha tôi góp tiếng nói để thế giới ủng hộ Việt Nam'
Cha của họa sỹ George Burchett, nhà báo Wilfred Burchett từng đưa cả gia đình đến Paris sinh sống để thuận tiện đưa tin về Hội nghị Paris, qua đó cất lên tiếng nói vì hòa bình cho Việt Nam.
“Phong trào phản chiến rộng lớn chắc chắn đóng vai trò quyết định trong việc buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Tôi tin rằng những người như cha tôi đã góp tiếng nói mạnh mẽ để dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973,” họa sỹ George Burchett chia sẻ.
Họa sỹ George Burchett là một người đặc biệt. Ông mang hai dòng máu Australia và Bulgaria nhưng luôn tự nhận mình là người Việt Nam. Điều đó có lẽ không hề khiên cưỡng vì ông sinh ra ở Hà Nội (năm 1955) và sau nhiều năm sống tại các quốc gia trên thế giới, ông trở về định cư ở Việt Nam.
Ông lựa chọn gắn bó với mảnh đất này bởi một tình yêu “cha truyền con nối.” George Burchett là con trai của nhà báo Wilfred Burchett (1911-1983), một người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Ông Wilfred từng đưa cả gia đình đến Paris sinh sống để thuận tiện đưa tin về Hội nghị Paris, qua đó cất lên tiếng nói vì hòa bình cho Việt Nam.
Người bạn đặc biệt
Tôi từng có nhiều dịp gặp gỡ họa sỹ George Burchett ở các triển lãm nghệ thuật, các buổi ra mắt sách, chiếu phim và trưng bày tư liệu về chiến tranh Việt Nam. Qua mỗi lần trò chuyện, tôi lại được hình dung ra nhà báo Wilfred Burchett rõ ràng hơn một chút bởi George Burchett khẳng định rằng tư tưởng và di sản của người cha in dấu ấn rõ rệt trong sự nghiệp và cuộc sống của mình.
Nhà báo Wilfred Burchett là một trong những tên tuổi lớn của nền báo chí thế giới trong thế kỷ XX. Từ thập niên 40, với tư cách phóng viên của tờ London Daily Express, ông đã đến Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và khu vực Thái Bình Dương để có được những bài tường thuật, phân tích kịp thời về Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau này, cùng với việc đưa tin về Hội nghị Geneve, ông quyết định đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu tình hình Đông Dương. Từ đó, ông bắt đầu một thời kỳ dài sát cánh cùng Việt Nam, qua kháng chiến chống Mỹ đến chiến tranh biên giới phía Bắc.
Wilfred Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào tháng 3/1954 tại Việt Bắc, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra. Những năm sau này, mỗi lần đến Hà Nội, ông đều đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại quân đội Pháp và Mỹ.
Phía Mỹ cũng đã từng mời ông làm trung gian đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Richard Nixon và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian đàm phán tại Paris. Cụ thể, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã mời ông Wilfred đến gặp riêng để thăm dò ý kiến của ông cho việc đàm phán ở Hội nghị Paris.
Theo ông George Burchett, vì nhà báo Wilfred Burchett chọn cách đứng về phía Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, trong khi chính phủ Australia lại ủng hộ Mỹ và thậm chí còn đóng góp quân cho cuộc chiến. Vì thế, ông không được cấp hộ chiếu Australia. Từ năm 1955 đến 1972, nhà báo Wilfred Burchett đã di chuyển dọc miền Bắc Việt Nam bằng giấy thông hành và sau đó bằng hộ chiếu Cuba do Thủ tướng Fidel Castro cấp.
“Chúng tôi đã theo dõi chiến tranh Việt Nam và nỗ lực chấm dứt nó ngay từ đầu. Việt Nam thực sự là một phần cuộc sống của chúng tôi,” George Burchett chia sẻ.
Bài học lịch sử quý giá
Wilfred Burchett đã viết hơn 30 cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng, in và phát hành ở nhiều nước. Ngoài ra, ông còn có hàng nghìn tấm ảnh, bài báo, phóng sự và phim tài liệu. Hai tiếng “Việt Nam” chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng đồ sộ này.
Cùng với việc gây dựng sự nghiệp riêng, họa sỹ George Burchett tiếp tục gìn giữ và nghiên cứu các tư liệu mà nhà báo Wilfred Burchett để lại. Ông đã từng tổ chức triển lãm ảnh, làm phim tài liệu về cha mình đồng thời trao tặng nhiều hiện vật cho các bảo tàng Việt Nam để phát huy giá trị những tư liệu đó.
Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, họa sỹ Geogre Burchett tìm đọc lại cuốn sách có tựa đề “Việt Nam sẽ thắng” (Vietnam Will Win) của nhà báo Wilfred Burchett xuất bản năm 1969 như một lời dự báo về thắng lợi to lớn của Việt Nam. Ông nghiên cứu về bối cảnh của cuộc đàm phán Paris và phát hiện nhiều yếu tố hấp dẫn về các sự kiện dẫn đến việc ký kết hiệp định.
“Tôi lớn lên với những câu chuyện về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam, về đất nước Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một phần. Những gì cha tôi làm đã khiến tôi tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, về chiến tranh và hòa bình. Đó vẫn là những bài học rất lớn cho thời đại ngày nay,” ông Geogre Burchett chia sẻ.
Họa sỹ nhận định rằng siêu cường đế quốc thế giới với quân đội hùng mạnh nhất và được đồng minh giúp đỡ cũng không thể khuất phục được ý chí và khát vọng thống nhất, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, Mỹ nhận ra rằng không có khả năng chiến thắng và phải ngồi xuống đàm phán một hiệp định hòa bình và rút quân khỏi Việt Nam.
Ông Geogre Burchett cho rằng một trong những yếu tố để các bên đi đến thỏa thuận tại Paris là áp lực từ dư luận thế giới.
“Phong trào phản chiến rộng lớn chắc chắn đóng vai trò quyết định trong việc buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Tôi tin rằng những người như cha tôi đã góp tiếng nói mạnh mẽ để dư luận thế giới ủng hộ Việt Nam,” họa sỹ chia sẻ.
Năm nay, ông Geogre Burchett đã tham gia một loạt các hoạt động kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức. Tại đó, ông gửi gắm thông điệp đầy tự hào rằng gia đình ông, đặc biệt là nhà báo Wilfred Burchett, đã góp phần vào chiến thắng của Việt Nam bằng cách kể cho thế giới nghe về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, trong đó hàng triệu người đã hy sinh xương máu.
“Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia hòa bình, độc lập, tự chủ và tự tin tiến tới một tương lai tươi sáng và thịnh vượng. Người Việt sẽ không bao giờ quên cái giá phải trả để có được những điều này. Và hãy tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc,” họa sỹ Geogre Burchett nói./.