Họa sỹ Phùng Phẩm: Bền bỉ, kiên cường trong lao động sáng tạo nghệ thuật
Những ngày tháng 10/2023, phòng tranh Thang Long Art Gallery (41 Hàng Gai, Hà Nội) thường xuyên đón khách ghé thăm, thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Phùng Phẩm - một tấm gương hiếm có về lao động sáng tạo nghệ thuật với sự bền bỉ đến kiên cường. Ở tuổi 91, ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Với ông, vẽ là hơi thở, là cuộc sống, niềm vui ý nghĩa cho từng ngày…
Cuộc đời và nghệ thuật
Họa sỹ Phùng Phẩm sinh năm 1932 tại Vĩnh Phúc, năm nay 91 tuổi. Ông tham gia cách mạng từ khá sớm, khi mới 13 tuổi. Nhờ đó, năm 1952, ông được cử đi học ở Khu Học xá bên Trung Quốc, để sau này trở thành cán bộ tương lai phục vụ đất nước. Tại đây, ông có cơ duyên được học vẽ cùng thầy Nguyễn Khang, những buổi học tuy ngắn ngủi nhưng đã kích hoạt tình yêu hội họa trong ông.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Phùng Phẩm được cử đi dạy học, trở thành giáo viên. Nhưng tình yêu với hội họa đã thôi thúc ông thi đỗ vào khóa I của hệ Trung cấp mỹ thuật - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau này, ông tiếp tục thi đỗ vào khóa 9 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng sau 2 năm học tập tại đây thì dừng giữa chừng.
Rời trường mỹ thuật, Phùng Phẩm vào làm công ăn lương tại xưởng phim hoạt hình. Trong suốt nhiều năm ròng, ông vừa làm việc, vừa tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình.
Những năm đầu, họa sỹ Phùng Phẩm sáng tác nhiều tác phẩm đồ họa khắc gỗ. Từ những năm 1970 -1980, ông đã có nhiều bức in khắc gỗ rất đẹp, chỉ hai màu đen trắng thuần túy, giản dị, được cất lên bởi giai điệu của đường nét. Giai đoạn này, các sáng tác của ông còn gần với hiện thực, theo mỹ cảm khắc gỗ dân gian truyền thống. Có thể kế đến một số tác phẩm như: “Chống hạn” (1977), “Nước bạc cơm vàng” (1977), “Đi chợ Xuân” (1980), “Bản nhỏ” (1983), “Lớp học miền núi” (1983). Thời kỳ này, ông cũng đã sáng tác một số tác phẩm có tính dự báo như “Ác mộng” (1978), “Vô đề” (1986) là những thử nghiệm sớm bằng ngôn ngữ đồ họa hiện đại, táo bạo, khác xa mỹ cảm dân gian truyền thống.
Đến năm 1986, năm cột mốc của thời kỳ đổi mới và mở cửa, họa sỹ Phùng Phẩm đã có những chuyển biến quyết liệt về ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật. Một ví dụ điển hình cho sự biến đổi này là các bức vẽ về chủ đề cấy mạ: “Cấy I” (1991), “Cấy II” (1992), “Cấy III” (1997) và “Cấy IV” (2008)…
Ông bắt đầu chuyển sang vẽ tranh sơn mài từ cuối những năm 1980, sau đổi mới. Một trong những thử nghiệm của ông về sơn mài là tác phẩm “Chống hạn” (1990), tác phẩm mang lại cho ông thành công và giành Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990. Theo nhà nghiên cứu – phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, tranh sơn mài của Phùng Phẩm không bóng bảy, óng mượt, trong trẻo như các tranh sơn mài theo kỹ thuật truyền thống, mà ông có một kỹ thuật riêng, chồng màu vừa phải, mài đi vừa đủ, vừa độ. Nghệ thuật của Phùng Phẩm, từ tranh in khắc gỗ cho đến tranh sơn mài có một âm hưởng riêng, sức sống riêng, kỳ lạ, có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới. Các câu chuyện, chủ đề, con người đi từ lịch sử văn hóa Việt Nam, hay là những câu chuyện bản nguyên, muôn thuở của loài người được họa sỹ gửi gắm trên tranh, tôn vinh trong vẻ đẹp bền lâu, vĩnh hằng của nghệ thuật…
Đầu năm 2023, giới yêu nghệ thuật Việt Nam biết đến Phùng Phẩm nhiều hơn nhân sự kiện bà Ellen Berends, cựu Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, hiến tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai tác phẩm: “Kiêu hãnh” và “Những nụ hôn tình yêu” sau hơn 20 năm chu du khắp thế giới. “Kiêu hãnh” là bức tranh sơn mài mô tả hình ảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống của một dân tộc miền núi phía Bắc. “Những nụ hôn tình yêu” là bức bình phong được làm từ sơn mài, khắc họa khoảnh khắc thân mật giữa một cặp đôi khác màu da, thể hiện sự hòa hợp sắc tộc.
Hai tác phẩm nghệ thuật này được bà Ellen Berends sưu tầm tại Hà Nội, trong thời gian bà công tác tại Đại sứ quán Hà Lan với vai trò Phó đại sứ (1997- 2001). Sau đó, hai tác phẩm đã theo bà đi đến nhiều quốc gia khác nhau, trước khi về Hà Lan. Xa Việt Nam đã 20 năm, nhưng với bà Berends, dường như tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây vẫn còn nguyên vẹn. Bà đã tìm gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan để bày tỏ nguyện vọng hiến tặng hai tác phẩm nghệ thuật mà bà sở hữu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn để công chúng trong nước có dịp được chiêm ngưỡng lâu dài các tác phẩm nghệ thuật quý.
Nét đẹp lao động và tình yêu cuộc sống
Ngắm các tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Phùng Phẩm, người xem không khó để cảm nhận được tình yêu của ông dành cho đất nước, con người, cảm nhận tính nhân văn trong những tác phẩm của người nghệ sỹ già.
Trong số các tác phẩm của họa sỹ Phùng Phẩm trưng bày tại triển lãm, nhiều tác phẩm có chủ đề về phụ nữ và lao động sản xuất. Đây là một trong những chủ đề mà ông vẽ nhiều. Ở trong tranh của ông, dù là phụ nữ miền xuôi hay miền ngược cũng đều có nét đẹp riêng, hăng say lao động ở xã hội và gia đình, tham gia nông nghiệp, cày cấy, gặt hái, học tập... Đó là những phụ nữ gọn gàng để lộ những đường nét khỏe đẹp trong tranh “Đập lúa trước sân kho”, mang đến cho công chúng những hình tượng đẹp trong lao động sản xuất. Đó cũng là những người phụ nữ ăn mặc rất đẹp, say mê học tập để nâng cao kiến thức trong tranh “Lớp học miền núi”. Loạt tác phẩm “Cấy” của ông cũng là chủ đề về người phụ nữ với công việc cấy lúa, làm ruộng…
Một điều đặc biệt là trong tranh họa sỹ Phùng Phẩm có nhiều tác phẩm vẽ về người da màu, có một số tranh ông vẽ về tình yêu giữa da đen và da trắng. Trong tranh ông vẽ những nhân vật da đen - da trắng hòa hợp một cách rất con người. Tranh “Đứa con riêng” hay bức bình phong “Những nụ hôn tình yêu” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một ví dụ. “Nhìn vào tranh, tôi muốn loài người phải có sự bình đẳng về con người. Chỉ có như vậy các dân tộc ở châu Phi hiện nay mới thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Ông Nelson Mandela là một tấm gương sáng trên thế giới về xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc”, họa sỹ Phùng Phẩm bày tỏ.
Nói về chủ đề trong các tác phẩm của họa sỹ Phùng Phẩm, nhà nghiên cứu - phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương cho rằng, ông say mê với trò chơi sáng tạo, nhìn đâu cũng mường tượng ra cái đẹp, mọi chủ đề sinh hoạt, lao động của đời sống thường nhật, bình dị đều được ông đưa vào tranh, từ ngày mùa, đập lúa, giã gạo, sảy gạo, ra khơi, quăng lưới, học tập, nghỉ ngơi, đi chợ… Ông quan sát mọi thứ với một tấm lòng yêu thương con người, quê hương sâu sắc. Từ người đàn bà hát rong, hát xẩm, cho đến đứa trẻ bất hạnh, tuổi già cô đơn và những người châu Phi da màu thiệt thòi đều là chủ đề cho tác phẩm của ông. Phùng Phẩm luôn đồng cảm, nghĩ về họ và tôn vinh họ trong sáng tác của mình.
Xem tranh của họa sỹ Phùng Phẩm, họa sỹ Đỗ Đức cho rằng: Ai đã từng xem tranh Phùng Phẩm chỉ cần một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào, khắc gỗ hay sơn mài. Là bởi họa sỹ đã dùng yếu tố trang trí làm chủ đạo cho toàn bộ tranh của mình. Ông cẩn trọng từ nét đến hình, các khoảng trống và lối dùng màu. Ông đã theo suốt nó, mải mê không chán, như theo đuổi duy nhất một người tình, điều làm nên một Phùng Phẩm độc đáo.
Trong suốt cuộc đời, họa sỹ Phụng Phẩm luôn âm thầm cống hiến cho nghệ thuật. Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý, như Giải A cho Triển lãm Nghệ thuật Đồ họa từ năm 1975-1985 tại Hà Nội, Huy chương Vàng cho Triển lãm Mỹ thuật Quốc gia năm 1990, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân vào các năm 2003, 2006, 2008, 2010 và 2023.
Ở tuổi 91, họa sỹ Phùng Phẩm vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Với ông vẽ là hơi thở, là cuộc sống, niềm vui ý nghĩa cho từng ngày. Đi qua những trăn trở của đời sống, nghĩ suy trong nghệ thuật, ông nghiệm ra một điều: “Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi đi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực”.