Hóa thạch 'rừng ma' cổ quái nhất thế giới lộ diện ở New York
Hàng loạt cây hóa thạch khổng lồ và kỳ dị của thời trái đất bắt đầu 'biến hình' thành hành tinh xanh đã lộ diện bên một mỏ đá cũ. Với tuổi đời 386 triệu năm, đây là khu rừng hóa thạch cổ xưa nhất từng được khai quật.
"Rừng ma" dị hình được phát hiện ở Cairo, một địa danh thuộc tiểu bang New York (Mỹ), trải rộng trên một khu vực rộng đến 3.000 m2. Cây cối trong khu rừng hóa thạch này là những đại thụ với bộ rễ khổng lồ, quái dị. Dạng rễ này đặc trưng cho thời kỳ thực vật sơ khai của trái đất bắt đầu thay đổi cách thu thập chất nước và chất dinh dưỡng của đất, từ đó sản sinh ra những cây thân gỗ to lớn. Chúng cũng thể hiện những bước phát triển sơ khai để hoàn thiện khả năng hút carbon dioxide (CO2) từ khí quyển.
Nhờ lứa cây này, các lục địa trên trái đất đã dần thay màu, biến trái đất từ một hành tinh không cây cối thành một hành tinh với thảm xanh bao phủ hầu hết các lục địa.
Đây là kết quả của cuộc khai quật vĩ đại kéo dài từ hơn 1 thập kỷ trước của Đại học Cardiff (Anh), Đại học Binghamton và Bảo tàng Bang New York (Mỹ) ở khu vực chân dãy núi Catskill thuộc Thung lũng Hudson. Khu rừng ma có 3 loại cây cổ đại là Cladoxylopsids, Archaeopteris và một loại cây chưa được xác định.
Theo tiến sĩ Chris Berry từ Đại học Cardiff, thành viên nhóm nghiên cứu, hóa thạch cá xen lẫn trong khu rừng cho thấy trong quá khứ, các cây này đã bị lũ cuốn trôi từ một địa điểm khác và dồn về khu vực mỏ đá dưới chân núi này. Ước tính khi còn xanh tươi, đây ra một cánh rừng mênh mông trải rộng trên địa phận bang Pennsylvania của Mỹ ngày nay và một số khu vực lân cận.
Với tuổi đời 386 triệu năm, đây là khu rừng hóa thạch cổ xưa nhất mà con người từng khai quật được. Phát hiện cổ sinh vật học lý thú này vừa được trình bày chi tiết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Current Biology.