Hòa thượng Thích Giác Toàn: 'Điều nhu nếp quen cuộc sống'
Từ khi sinh ra cho đến khi khôn lớn, ai cũng có sẵn duyên, nghiệp của riêng mình. Tu tập là việc không đơn giản.
Với vị xuất gia, họ chỉ có một màu áo, một kiểu tóc và ít vướng bận trần duyên nên việc tu thường dễ hơn. Còn với những người tại gia thì việc tu càng khó hơn nhiều. Một người bình thường, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần có quần áo chỉn chu, phục sức đẹp đẽ.
Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là cần biết trang nghiêm thân tướng biết tu tập, để khi trẻ thì có cái đẹp của tuổi trẻ, khi già thì có cái đẹp của cao niên. Đẹp một cách trang nghiêm, mọi người nhìn thấy vẻ đẹp của mình thì trầm trồ khen ngợi nhưng không sanh khởi tà ý. Để được như thế thì chúng ta phải biết điều nhu nếp quen cuộc sống, điều chỉnh ánh mắt, nụ cười trong lúc giao tiếp với mọi người.
Trong giao tiếp, trong đối nhân xử thế, nụ cười có vai trò và ý nghĩa rất lớn. Một nụ cười thân thiện có thể tạo nên một mối thiện cảm, gần gũi với người khác. Nụ cười cũng là cách chào mời để tạo ra thiện cảm, thân tình với người khác. Dù chúng ta làm nghề gì trong xã hội, thì nụ cười trong giao tiếp đều rất quan trọng. Nụ cười thân thiện, lịch thiệp khiến cho người khác cảm thấy mát lòng và dễ nảy sinh thiện cảm. Có câu thơ rằng:
“Từ vô lượng kiếp hương vàng
Nụ cười ánh mắt kết tràng hoa thiêng”.
Trong giao tiếp, trong đối nhân xử thế, nụ cười có vai trò và ý nghĩa rất lớn. Một nụ cười thân thiện có thể tạo nên một mối thiện cảm, gần gũi với người khác. Nụ cười cũng là cách chào mời để tạo ra thiện cảm, thân tình với người khác. Dù chúng ta làm nghề gì trong xã hội, thì nụ cười trong giao tiếp đều rất quan trọng...
Cùng với nụ cười, thì ánh mắt cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ánh mắt của sự trìu mến, đặc biệt là ánh mắt của người mẹ, người cha nhìn con luôn là ánh mắt trìu mến yêu thương, ánh mắt từ hòa. Chúng ta hãy cố gắng điều tiết ánh mắt, nụ cười của mình trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội. Khi chúng ta làm điều này thì chắc chắn mọi người sẽ yêu quý mình nhờ ánh mắt, nụ cười của mình.
“Nhẹ nhàng, thánh thiện, hữu duyên
Người thân gặp lại nối tiền kiếp xưa”.
Lời ăn, tiếng nói cũng rất quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc kinh doanh, buôn bán. Có nhiều thứ mình không có ý định mua, nhưng khi gặp người bán hàng vui tính, dễ mến, nghe người ta chào mời thì mình lại mua hàng.
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Tốn chi mà phải hơn, thua, vui, buồn…
Gặp nhau ái ngữ thân thương
Pháp lữ huynh đệ, thân thương một nhà”.
Ngay trong cuộc sống này, Đức Phật dạy cứ coi người đó như cha ta, người đó như mẹ ta từ vô lượng kiếp. Làm được như vậy thì cuộc sống này thật đẹp, nhất định sẽ thành công trong mọi lĩnh vực.
Trong xã hội hiện tại, nhiều người nghĩ rằng, muốn có công việc chỗ này, chỗ kia thì phải lo lót, phải tốn tiền. Thực tế vẫn có nhiều người đi xin việc không tốn tiền bạc gì cả, do nhà tuyển dụng nhìn thấy họ dễ thương, dễ mến, có năng lực thì người ta nhận. Nhiều khi, có những công việc, dù có tiền lo lót cũng không xin vào làm được, nhưng đôi lúc do tánh ý tốt nên được nhận vào làm việc. Do vậy, chúng ta không nên bi quan vì những nhiễu nhương của xã hội, mà hãy tự tu tập và điều chỉnh bản thân mình cho tốt.
Khi mình có tâm ý tốt, có thân tướng đoan nghiêm, có ánh mắt, nụ cười hiền hòa, có năng lực làm việc thì chắc chắn sẽ có được một đời sống tốt đẹp, thuận lợi.
(Trích Khuyết mà tròn)