Hoa trong đời sống ẩm thực Việt
Theo một nghiên cứu chỉ ra rằng có tới hơn 500 loài hoa tươi trong tự nhiên có thể ăn được, trong đó có tới hơn 160 loại hoa được dùng phổ biến trong ẩm thực của các quốc gia trên toàn thế giới.
Món ăn từ hoa phong phú và độc đáo
Ở các nước châu Âu, họ cũng rất chuộng dùng hoa trong nấu ăn. Phổ biến nhất là dùng hoa để trang trí món ăn trong các nhà hàng cao cấp, những món ăn cao cấp như hoa Viola, hoa Lan, lan Hồ Điệp… Người châu Âu chuộng dùng hoa Atiso một loại hoa có nhiều giá trị tốt cho sức khỏe tinh thần, dùng trong các món thậm chí là nướng bỏ lò. Những hông hoa hẹ, hoa hành tăm hay hoa tỏi gấu cũng thường được người Đức dùng trong các món súp hoặc tẩm ướp trong những món thịt nướng như thịt bê, thịt cừu… Hoa được dùng làm các loại trà uống thường ngày như nụ hoa hồng, hoa đậu biếc, hoa anh thảo, hoa oải hương (Lavender)…
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, có lẽ hoa cũng đóng vai trò là một loại thực phẩm bổ ích không thể thiếu trong mâm cơm thường ngày. Có rất nhiều loại hoa chúng ta vẫn đang ăn, khắp từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng cho tới miền núi xa xôi ở đâu cũng hiện diện những loài hoa từ quen đến lạ rất phong phú và độc đáo. Người Việt chẳng xa lạ gì với việc dùng hoa trong nấu ăn, có những loại hoa trở nên phổ biến đến mức nó đóng vai trò là một loại rau ăn thường ngày vậy.
Hoa thiên lý từ lâu người ta coi nó là một loại thực phẩm chứ không còn là một loại hoa trang trí để thưởng thức mùi hương, hoa sen ngoài việc đóng vai trò làm đẹp thì rất nhiều bộ phận trên đóa sen ấy lại được sử dụng rất tốt và rất hiệu quả trong những món ăn khá nổi tiếng của người Việt. Thậm chí những loại hoa dại ven bờ ao, bờ ruộng cũng đem lại giá trị ẩm thực cao như bông so đũa, bông điên điển, bông súng, hoa bèo tây… xuất hiện hàng ngày trong món canh, món lẩu của người dân miền Tây sông nước.
Hoa đóng vai trò như một nguồn nguyên liệu thực phẩm bổ sung rất tốt trong sự đa dạng của ẩm thực, ngoài trang trí còn đóng vai trò là một thực phẩm an toàn thơm ngon và độc đáo. Có rất nhiều loài hoa trong đời sống, nhưng để chọn lựa nó trở thành một loại thực phẩm cũng cần nhiều sự tinh tế và cẩn trọng, một số loại phấn hoa quá nhiều cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, một số loại hương thơm quá lấn át cũng gây cản trở cho món ăn, thường thì chúng ta ưu tiên sử dụng những loại hoa có tính ngọt dễ ăn và dễ chế biến.
Người Việt chuộng sử dụng hoa trong nấu ăn
Có lời khuyên từ những đầu bếp có tiếng cho rằng, nếu muốn sử dụng hoa và có đam mê dùng hoa trong ẩm thực thì mọi người cần có sự trải nghiệm, nhưng có lẽ đối với người Việt sự trải nghiệm đó đôi khi không quá khó. Bởi việc “ăn… hoa” và sử dụng hoa trong nấu ăn đã có từ lâu đời rồi, kinh nghiệm của thế hệ trước đó là kho báu quý giá trong đời sống ẩm thực ngày nay.
Phổ biến nhất có lẽ không nơi nào trên dải đất hình chữ S này chưa từng trải nghiệm, đó là hoa bí và hoa thiên lý. Hai loài hoa này gắn bó rất quen thuộc trong đời sống dân dã thường ngày, bông thiên lý nấu canh thịt bằm hay xào với thịt bò vốn luôn là món ăn được sử dụng phổ biến. Với bông bí thì lại đa dạng hơn, người ta có thể sử dụng được cả hoa cái và hoa đực để chế biến món mà thường thì hoa đực được sử dụng phổ biến hơn còn hoa cái để chờ nuôi quả. Hoa bí phổ biến dùng làm các món canh, ăn lẩu, món xào… cầu kỳ, sáng tạo hơn chút đem nhồi thịt hấp hoặc tẩm bột chiên giòn.. mỗi cách sẽ có một món ăn ngon, lạ.
Hoa Atiso rất phổ biến ở Đà Lạt, loại hoa này được phơi khô dùng làm trà uống rất tốt cho sức khỏe, chiết xuất cho một số loại thực phẩm chức năng bổ sung. Hoa Atiso thời xưa còn được coi như là một loại thực phẩm quý, các đầu bếp dùng để hầm canh bồi bổ sức khỏe cho vua, quan. Ngày nay nó phổ biến và bình dân hơn, người dân đem chế trong các món canh, hầm xương, thậm chí là đem xào, nướng trong một số món.
Ngược về miền Tây, nơi đây sông nước trù phú lại thích hợp cho rất nhiều loại từ hoa dại đến những loài hoa phổ biến và có nhiều trong đó được sử dụng làm món ăn ngon. Nếu có dịp được thưởng thức một nồi lẩu mắm hay lẩu cù lao miệt vườn miền tây, chắc những người từ nơi khác phải thốt lên bởi sự đa dạng về màu sắc bắt mắt trên rổ rau ăn kèm, có rất nhiều loại hoa trên đó. Nào là hoa súng, hoa lục bình (bèo tây) có đầy trên sông nước, hay những cây hoa dại như bông điên điển, bông so đũa, hoa chuối… mỗi thứ một chút tạo nên sự đa dạng của lẩu miền tây sông nước.
Rất nhiều thực khách quốc tế thấy lạ khi biết người Việt Nam ăn cả hoa chuối, một loại hoa có tính chát và nhiều mủ nhựa thường đối với họ là bỏ đi. Người Việt cực kỳ khéo léo và giỏi trong việc chế biến và khắc phục những vấn đề đó, chỉ cần ngâm muối và dấm để khử nhựa, khử chát và tránh thâm đen là có thể sử dụng hoa chuối trong rất nhiều món ngon. Phổ biến nhất là làm gỏi với tai heo và thịt luộc, hoa chuối có thể ăn sống và ăn kèm với các loại bún, đem hầm canh xương, xào với thịt…
Sẽ không thể không nhắc tới hoa sen một loại hoa mà tất cả các thành phần trên bông hoa đó đều có thể tạo món, từ làm trà tới các món hầm, từ nấu chè đến các món hấp khi kết hợp với cánh sen, tất cả đều cho ra những món ăn thú vị, hấp dẫn và đặc biệt là bổ cho sức khỏe. Sen vốn từ xa xưa đã rất chuộng như là một thứ “cao lương, mỹ vị” trong đời sống ẩm thực.
Người miền núi phía Bắc cũng rất chuộng sử dụng hoa trong ẩm thực, ngoài những loại hoa phổ biến, họ cũng sử dụng một số loại hoa bản địa rất đặc trưng tạo nên nhiều món ngon độc đáo, làm đặc sản vùng chiêu đãi thực khách. Hoa ban Tây Bắc vốn là một loài hoa đẹp mang tính biểu tượng, ấy thế mà cũng có vô vàn món ăn ngon từ loài hoa này. Nộm hoa ban có tiếng và nó như là đặc sản ở đây rồi, hoa ban đem xào măng, nấu canh cá hay làm xôi hoa ban chẳng hạn. Người ta còn sử dụng cả hoa gạo tách lấy phần nhụy hoa đem về xử lý rồi chế biến trong các món xào với thịt hay làm món canh, món gỏi khá thú vị.
Người miền núi còn chuộng sử dụng hoa tỏi, hoa riềng, hoa gừng trong nấu ăn, những loại hoa này thường là kết hợp trong những món xào kèm với thịt, thịt gác bếp và lạp sườn ăn có độ tươi, giòn và rất ngọt, thơm. Có một loại hoa dù sản lượng không nhiều lắm và giá thành cũng khá đắt đỏ đó là hoa rau ngót rừng rất ngon, tuy nhiên có thời gian thu hoạch rất ngắn. Hoa rau ngót rừng có tính ngọt thanh rất dễ ăn và dễ chế biến, thường sử dụng làm món canh hoặc món xào cho vị ngọt rất thanh và tự nhiên.
Hoa trong đời sống ẩm thực của người Việt khá phong phú, thói quen sử dụng hoa trong các món ăn cũng rất được ưa chuộng. Người Việt khá khéo léo và tinh tế khi lựa chọn và sử dụng các loại hoa trong việc sáng tạo món ăn, chỉ một loại hoa cũng có đến cả chục món ăn khác nhau. Từ dân dã đến sang trọng, từ phổ biến đến hiếm thấy, dường như chả loại hoa nào làm khó được kỹ năng ẩm thực cũng như gu thưởng thức của người Việt. Thế nên hoa vốn rất đa dạng trong thẩm mỹ, trang trí… đối với người Việt rất nhiều loại hoa đóng vai trò là thực phẩm có giá trị rất tốt trong đời sống.
Hoa trong đời sống ẩm thực của người Việt khá phong phú, thói quen sử dụng hoa trong các món ăn cũng rất được ưa chuộng. Người Việt khá khéo léo và tinh tế khi lựa chọn và sử dụng các loại hoa trong việc sáng tạo món ăn, chỉ một loại hoa cũng có đến cả chục món ăn khác nhau.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoa-trong-doi-song-am-thuc-viet-post553308.antd