Hòa Vang với khát vọng từ nông thôn mới đến thị xã giàu bản sắc
Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó hình thành các sản phẩm thế mạnh theo chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) là chìa khóa giúp huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng gặt hái những thành công tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hòa Phú là 1 trong 4 xã miền núi của huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây Nam với 8 thôn, trong đó có thôn Phú Túc có trên 90% dân tộc Cơ Tu sinh sống. Toàn xã có gần 1.300 hộ với trên 5.000 nhân khẩu.
Nông thôn chuyển mình
Dù xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Hòa Phú đã cán đích xã nông thôn mới năm 2014. Để có được thành công này, xã đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Từ đó, tạo điểm tựa cho người dân địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như ươm cây giống keo lai bằng phương pháp giâm hom tại thôn An Châu và Hòa Hải, trồng dừa xiêm, lúa hữu cơ, chuối thanh tiêu ở thôn Hòa Phước, trồng bưởi da xanh tại thôn Hội Phước...
Đáng chú ý, với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Hòa Phú đã rà soát các cơ sở, doanh nghiệp trên các lĩnh vực cơ khí, chế biến nông lâm sản để đề xuất thành phố hỗ trợ, mở rộng quy mô nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hòa Phú đang tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng, chủ lực để tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), đến nay Hòa Phú đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (Rau ăn lá Afarm và dưa lưới Afarm) và 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (bánh tráng Đại Cường).
Không chỉ có Hòa Phú, theo ngành nông nghiệp huyện Hòa Vang, một trong những thành tựu lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình như khu ứng dụng công nghệ cao tại Trung Nghĩa 140ha, vùng nông nghiệp công nghệ cao Hòa Phú 20,9ha, vùng sản xuất nông nghiệp Hòa Khương 28,8ha, khu chăn nuôi tập trung Hòa Khương 10,9 ha, vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương và xã Hòa Phong 16,2 ha.
Cũng có thể kể đến các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như vùng rau Túy Loan (HTX rau Túy Loan), vùng rau Phú Sơn Nam (An Tâm Farm), vùng sản xuất Hòa Ninh, Hòa Phú (HTX rau, hoa, củ quả Hòa Vang), HTX nấm Nhơn Phước, vùng hoa Dương Sơn…
Ấn tượng liên kết sản xuất
Đáng chú ý, những năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã tăng cường hỗ trợ các HTX, từ đó giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đặc biệt là hoàn thành tiêu chí “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc HTX rau hoa củ quả Hòa Vang cho hay, HTX là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Đến nay, HTX đã mở rộng mô hình trồng rau an toàn bằng việc chi hơn 2 tỷ đồng đầu tư lắp đặt lồng kính, hệ thống tưới phun sương, mua sắm thiết bị trồng rau công nghệ cao.
Mỗi năm, trang trại rau cung ứng cho thị trường hơn 500 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng. HTX cũng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là người Cơ Tu sinh sống tại địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Các chính sách hỗ trợ có hiệu quả cùng sự đóng góp tích cực của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang giúp Hòa Vang xây dựng thành công nhiều chuỗi sản phẩm thế mạnh. Đến thời điểm này, huyện Hòa Vang có 21 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 4 sao được đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.
Nhờ những thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là sự đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang đã và đang liên tục đạt được những thành công ấn tượng.
Hướng đến xây dựng thị xã giàu bản sắc
Giai đoạn 2012-2022, thành phố đã huy động hơn 7.331 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới đối với huyện Hòa Vang. Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện Hòa Vang đã có những đổi thay mạnh mẽ, hạ tầng nông thôn phát triển nhanh; nhiều vùng sản xuất chuyên canh, mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng; đời sống kinh tế, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2022 đạt 56 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố) giảm từ 16,52% năm 2012 xuống còn 1,91% năm 2022; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt 98%.
Đến nay, huyện Hòa Vang có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Hòa Vang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015.
Với những thành công trong xây dựng nông thôn mới, kể từ năm 2022 đến nay, huyện Hòa Vang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm là phấn đấu đến năm 2025, huyện Hòa Vang được công nhận là Thị xã Hòa Vang.
Theo lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, việc huyện được công nhận là đơn vị hành chính loại I từ cách đây hơn 3 năm, càng nung nấu thêm khát vọng, quyết tâm của Toàn Đảng, Toàn Quân, Toàn Dân Hòa Vang mong muốn xây dựng Hòa Vang trở thành một đô thị mang bản sắc riêng, “một chấm son trên bản đồ Tổ quốc”.
Rõ ràng, khi trở thành thị xã, Hòa Vang sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Và, trong Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Vang, với việc đề nghị công nhận huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV có rất nhiều tiêu chí về hạ tầng, cơ cấu kinh tế, về giáo dục, thiết chế văn hóa, môi trường… được xem xét và đánh giá rất kỹ. Muốn được công nhận là thị xã, huyện phải hoàn thiện tất cả các điều kiện đó.
Đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội như: điện, nước, trường học, trạm y tế, hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính, môi trường, các thiết chế văn hóa… đã có càng cần được tiếp tục đầu tư tốt hơn. Chính vì thế mà chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn so với khi còn là cấp huyện… Việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, đáp ứng yêu cầu công nghiệp và phát triển đô thị cũng có hiệu quả hơn.