Hoa xoan đâu thoang thoảng

Không nói về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh đã đi qua, họ nói về con cháu, về xây dựng gia đình, làm kinh tế, về thói quen đời sống hằng ngày, những dự định, kế hoạch phía trước của tuổi già...

Ông Viên đứng tần ngần dưới bóng cây xoan đâu(*). Giữa nắng hạ oi nồng, tán lá xanh ngăn ngắt bất chấp cái thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Làng Trù giờ gọi là thôn 3. Không những tên khác mà cảnh cũng khác, chả trách hơn 50 năm ông mới tìm về được với chốn này.

 Mùa hoa xoan đã qua vài tháng, thế mà lạ thay, ông Viên vẫn như ngửi thấy hương hoa thoảng trong không khí. (Ảnh minh họa).

Mùa hoa xoan đã qua vài tháng, thế mà lạ thay, ông Viên vẫn như ngửi thấy hương hoa thoảng trong không khí. (Ảnh minh họa).

Trong trí nhớ của ông, qua mấy bụi tre đầu làng, từ đường lớn rẽ vào một đường đất nhỏ hơn là quãng đường rợp bóng xoan đâu. Giờ đường đã đổ bê tông, nhà nhà có hàng rào, cổng tường kiên cố, dãy xoan đâu chỉ còn lại một cây duy nhất. Là cây có hai thân xoắn ở gốc rồi mới phân hai nhánh lớn phía trên. Nó vốn là hai cây mọc sát nhau mà hợp thành một. Cái cây còn được giữ lại, chắc hẳn có lý do riêng của nó...

Mùa hoa xoan đã qua vài tháng, thế mà lạ thay, ông Viên vẫn như ngửi thấy hương hoa thoảng trong không khí. Bất giác, ông đưa tay phủi nhẹ vai áo, như thể cánh hoa vừa rơi xuống.

- “Này anh bộ đội! Đứng một mình mần chi rứa? Anh không định đào ngũ đó chứ?” - giọng con gái vang lên, ra chiều tinh nghịch hơn là xét hỏi. Cô gái có nước da nâu, tóc tết đuôi sam, tay còn quắp thúng khoai, đầu hơi nghiêng nghiêng khi hướng về phía anh lính trẻ.

- “Báo cáo đồng chí! Không phải vậy... Thú thực là... tôi đang tính vào làng xin ít lá xoan đâu, nấu nước trị ghẻ cho bộ đội. Chúng tôi hành quân lội nước nhiều nên là...”

- “Anh bộ đội nói năng chuẩn chỉ, nghiêm túc quá hấy. Nhưng em chưa phải đồng chí mô. Mà cũng sắp rồi, em được giới thiệu đi học lớp đối tượng rồi đó” - cô gái cố nói với giọng rắn rỏi, tỏ ra tự hào và cũng có ý khoe mình đã trưởng thành.

Đoán chừng cô cũng chỉ tầm 18, 19 tuổi, Viên định hỏi thêm cô mấy câu thì bất chợt nghe tiếng rít mạnh. Rồi: “Ầm”!!! Âm thanh vang lên chát chúa. Bom nổ hướng bờ sông.

- “Thôi chết, đơn vị đang nghỉ chân gần đó!”. Viên hốt hoảng chạy. Sau lưng hình như có tiếng vọng theo: - “Này anh... Đừng chạy về hướng có bom”. Nhưng quá muộn rồi, loạt bom thứ 2 thả xuống. Sức ép làm Viên văng ra.

Trong trận bom ấy, đơn vị của Viên may sao vừa di chuyển xuống nhà dân uống nước. Nhưng bom đánh sập cây cầu bắc qua sông và một người lính mất tích: Hạ sĩ Lê Trọng Viên. Đơn vị tìm anh một ngày một đêm, rồi lệnh hành quân gấp rút, không thể chậm trễ. Đồng đội thắp cho anh một nén hương cắm bên bờ sông, vái vọng. Đồng chí chính trị viên gửi gắm xã đội trưởng ở địa phương, nhắn đôi dòng về tên tuổi, phiên hiệu đơn vị, hy vọng tìm được Viên, dẫu là rất mong manh.

Ấy vậy mà sự thần kỳ vẫn đến với anh! Như sự sắp đặt của số phận, vẫn là cô gái có nước da nâu, tóc tết đuôi sam tìm thấy anh.

“Sự sống! Mình sống rồi”, đó là suy nghĩ đầu tiên của Viên khi nhìn thấy khuôn mặt cô gái ghé xuống nhìn mình sau 2 ngày anh bất tỉnh mê man giữa đám lau sậy lấp xấp nước bên mé sông. Nếu Xuân Hương - cô gái ấy, không đi tìm anh theo thông tin của xã đội trưởng, không nhạy cảm với sự lay động rất khẽ của đám sậy lúc trời đứng gió, thì chắc hẳn, sự sống đã vuột khỏi anh.

“Mình lại suy nghĩ nữa rồi. Chúng ta đã đi gần cuối cuộc đời, cái gì còn trăn trở thì phải làm ngay, thời gian có đợi được nữa đâu. Hơn 5 chục năm rồi...” - giọng bà Diệp nhẹ nhàng, không hề có ý trách giận chồng. Thấy ông Viên có vẻ chưa xuôi. Bà tiếp lời: “Đợt này đang nắng ấm, cái bệnh ho hen của ông đỡ hơn nhiều rồi. Tranh thủ đi vào một chuyến, cũng coi như vợ chồng mình đi du lịch”.

Ông cảm mến bà cũng vì sự thấu đáo quan tâm ấy. Còn bà mến ông bởi dáng hình một anh bộ đội kiên cường, bởi những câu chuyện ông mang về từ chiến trường. Đó là những ngày ông bà gặp nhau tại Đoàn An điều dưỡng 296, ông là anh lính trở về với đầy di chứng chiến tranh và bà là cô y tá trẻ gốc Hà Nội, trong veo. Ngày đó, ông bị thương trước ngày giải phóng, một viên đạn xuyên qua đùi, ảnh hưởng đến vận động và một mảnh đạn còn cắm trong đầu chưa thể lấy ra khiến ông nhiều khi mê mê tỉnh tỉnh, hoảng loạn, đau đớn. Ngắt quảng giữa những cơn đau, ông thường kể cho cô y tá những kỷ niệm về Trường Sơn, về cái đói, sốt rét rừng, về những sáng kiến “trong cái khó ló cái khôn” của đời lính, về lần lạc đường trúng ổ phục kích... Và về cả làng Trù...

Câu chuyện về làng Trù, ông kể trong giọng buồn vui lẫn lộn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thống nhất Bắc Nam, ông nhận được bức thư từ làng Trù. Thư đến tay ông muộn cả tháng vì gửi vào đơn vị cũ, sau mới được đồng đội chuyển về Đoàn An điều dưỡng. Người con gái làng Trù năm xưa báo tin vui đã lập gia đình, mời ông nếu có dịp ghé về làng chơi... Thư không dài nhưng giúp ông gỡ một nút thắt trong lòng. Ông thở ra nhẹ nhõm. Y tá Diệp nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay ông!

 Ông Viên cũng cười với lòng mình, nắm lấy tay bà Diệp bước tiếp dẫu đoạn đường phía trước... (Ảnh minh họa).

Ông Viên cũng cười với lòng mình, nắm lấy tay bà Diệp bước tiếp dẫu đoạn đường phía trước... (Ảnh minh họa).

Rồi hôm nay, ông và bà đang đứng trước ngôi nhà có cây xoan xoắn gốc.

Từ khi rẽ vào con đường này, bà đã bước chậm hơn ông một chút. Dành cho ông khoảng không gian riêng tư với nhiều suy nghĩ. Thấy ông đưa tay phẩy chiếc lá trên vai, bà Diệp tiến tới, nhặt thêm mấy chiếc lá còn vương trên tóc. Rồi bà nắm lấy tay ông, làm điểm tựa cho ông bước lên bậc tam cấp, như cách bà vẫn làm bao lâu nay để phụ cho cái chân yếu của ông.

- “Có ai ở nhà không ạ?”

Một người đàn ông cũng tầm ngoài 70 nhưng dáng vẫn đầy nhanh nhẹn, bước ra khỏi cửa. Ông ta hơi khựng vì có khách bất ngờ. Rồi ào đến, nắm chặt hai vai ông Viên lắc lắc:

- “Đồng chí Viên! Đồng chí Viên của Trung đoàn 141 phải không”?

- “Vâng! Anh là....”

- “Tôi, Hải - Xã đội trưởng đây! Đây chắc là bà nhà của đồng chí Viên phải không? Mời anh chị vào nhà!”

Người đàn ông chủ nhà vẫn chưa dứt được cảm xúc hồ hởi, vừa khoác lấy vai ông Viên vừa nhắc về chuyện cũ:

- “Lúc đầu nhìn thấy ông, tôi còn ngờ ngợ. Nhưng vết sẹo trên trán vẫn còn thì đúng chính xác rồi. Cái hôm cô Xuân..., à Xuân Hương cõng ông từ bãi sậy về, máu trên trán đã khô lại, người thì sĩnh nước, hơi thở yếu quá... chúng tôi cứ nghĩ đi đứt rồi... Thế mà lại sống, sống đến bây giờ, hà hà...”. Rồi ông cất giọng gọi to:

- “Bà Hương ơi, nhà có khách quý!”

Từ dưới bếp, người phụ nữ tất tả chạy ra, luống cuống: - “Chào anh!... Chào chị!...”.

- “Bà này, là vợ chồng ông Viên. Ông Viên, người Phú Thọ, lính 141 đó!”

Người phụ nữ càng ra chừng bối rối hơn. Bà rót nước mời khách với bàn tay run run... Ông Hải đỡ lấy cốc nước chè đang sóng sánh trên tay vợ:

- “Bà nhà tôi sức khỏe không được tốt lắm”. Đưa cốc nước cho khách, đoạn, ông nắm lấy tay bà vỗ vỗ ra chiều an ủi.

“Cái nắm tay của hạnh phúc tuổi già mới ấm áp làm sao!” - ông Viên nghĩ thầm rồi bất giác nhìn về bàn tay vợ. Bàn tay nhỏ xinh, mềm mại của cô y tá ngày nào giờ đã lốm đốm vết đồi mồi, nhưng vẫn luôn là bàn tay đẹp trong mắt ông.

Trưa hôm ấy, không khí trong ngôi nhà nhỏ của làng Trù, nay là thôn 3 trở nên thật chộn rộn. Sau những ngỡ ngàng của cuộc gặp gỡ bất ngờ, họ bên nhau trò chuyện, không có khoảng cách về mặt thời gian, địa lý. Cứ như những người bạn vốn đã rất thân quen. Cứ như có sợi dây vô hình gắn kết mối duyên kỳ lạ. Không nói về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh đã đi qua, họ nói về con cháu, về xây dựng gia đình, làm kinh tế, về thói quen đời sống hằng ngày, về những dự định, kế hoạch phía trước của tuổi già. Ông Hải, bà Hương mong ước sau khi xuất chuồng lứa lợn này sẽ dành tiền đi du lịch Phú Quốc. Ông Viên, bà Diệp đang tính về thăm lại hết những địa điểm xưa từng gắn với cuộc đời quân ngũ của ông.

Sau bữa cơm, vợ chồng ông Hải ngỏ ý muốn khách lưu lại chơi vài ngày. Nhưng ông Viên lựa lời khước từ, cáo hẹn lần sau, vì còn bận thăm một số người quen trong tỉnh.

Tiễn khách một đoạn đường rồi quay về, bà Hương giật giật tay áo chồng:

- Ông ơi! Liệu, ông ấy có nhận ra không?

- Bà với dì Xuân có khác gì nhau đâu, người làng mình trước đây còn nhầm suốt.

- Nhưng tôi áy náy quá ông ạ. Giá mình nói rõ, cho ông ấy vào thắp cho dì Xuân nén hương.

- Thôi, đã thống nhất làm theo di nguyện dì Xuân rồi. Cho dì ấy an lòng, ông Viên cũng vui vẻ mà sống tiếp cuộc đời của ông ấy.

- Ừ thì vậy... trước khi nhắm mắt, em Xuân còn cố dặn dò tôi biên thư cho ông ấy... Bà Thu Hương chớm chớm nước mắt, cầm vạt áo lên chấm nhẹ. Bà nhớ người em gái đã ra đi trên tay mình, không kịp đón ngày đất nước thống nhất, không đợi được anh bộ đội trở về.

Ra đến khúc cua trước khi vào đường lớn, ông Viên ngoái lại lần nữa nhìn ngôi nhà có cây xoan đâu. Vậy là tâm nguyện về lại làng Trù đã thành hiện thực, dẫu người xưa không còn. Trước khi về lại nơi đây, ông có dò hỏi một số thông tin, mới biết, năm đó làng Trù còn trúng một đợt bom làm 13 người thiệt mạng, trong đó có cô gái trẻ Lê Thị Xuân Hương... Ông ngạc nhiên vì bức thư gửi ông viết sau ngày Xuân Hương mất. Khúc mắc ấy giờ về làng đã có câu trả lời: Xuân Hương còn có một người chị em sinh đôi là Thu Hương...

Có những câu trả lời cũng chỉ cần nằm lại trong lòng, không cần biết quá tỏ tường, cặn kẽ. Nhưng đủ để người trở về không còn ray rứt, người ra đi có thể mỉm cười - nụ cười trên khuôn mặt tròn bầu bĩnh, tóc tết đuôi sam tinh nghịch.

Ông Viên cũng cười với lòng mình, nắm lấy tay bà Diệp bước tiếp dẫu đoạn đường phía trước không dốc, không gồ ghề. Đôi vợ chồng già bình yên đi bên nhau. Lạ kỳ, giữa tháng Sáu mùa hè lại thoang thoảng mùi hoa xoan đâu...

(*) Cách gọi cây hoa xoan của một số vùng quê miền Trung.

Đặng Thắm (Đài PT-TH Hà Tĩnh)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/hoa-xoan-dau-thoang-thoang-post268349.html