Hít thở phải đúng cách
Hít thở đúng cách giúp cơ thể giải phóng endorphin, chất giảm đau tự nhiên, giảm lượng axít trong cơ thể, tăng cường đào thải các chất độc và giảm khả năng phát triển bệnh tật
Một người trưởng thành hít vào thở ra 17.000 đến 30.000 lần mỗi ngày. Mỗi một hơi thở được thực hiện vô thức. Nhưng khi chuyển từ hô hấp vô thức sang hô hấp có ý thức, sức khỏe tốt lên cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Giảm lo âu, căng thẳng
Hít thở là hoạt động cơ bản của con người. Tuy nhiên, không giống như hoạt động co bóp của tim hay dạ dày, con người có thể điều khiển nhịp thở của bản thân. Hít thở là động tác quan trọng, khí ôxy được hít vào để tạo ra năng lượng sau đó thải ra khí carbonic.
Hít thở sâu mang lại lợi ích cho các cơ quan. Cụ thể: Giúp duy trì tinh thần tích cực, vui vẻ. Bởi hệ thần kinh phó giao cảm được kích hoạt, tăng sản xuất hóc môn tạo cảm giác dễ chịu. Bên cạnh đó, còn cải thiện hoạt động hệ tim mạch. Vì tim được cung cấp nhiều khí ôxy hơn, từ đó có thể luôn hoạt động tốt mà không bị quá tải.
Hít thở sâu còn tăng cường hệ miễn dịch và tiêu hóa; duy trì cân nặng hợp lý do thúc đẩy nhanh hơn quá trình đốt cháy chất béo khi chúng ta tập thể dục. Đặc biệt, khi hít thở sâu, phổi được lấp đầy bởi không khí, lồng ngực nở ra, cột sống thẳng lên, xương vai được mở ra phía sau giúp tạo ra một tư thế thẳng và đẹp.
Cảm xúc và hơi thở có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Khi giận, hơi thở trở nên sâu và dài. Ngược lại khi hồi hộp, lo lắng, nhịp thở có khuynh hướng trở nên dồn dập và nông hơn. Vì vậy, kiểm soát hơi thở đồng thời có thể giúp kiểm soát tư tưởng, tình cảm của bản thân. Hít thở sâu sẽ giúp bạn giữ được tư tưởng và suy nghĩ theo hướng tích cực, giảm lo âu, căng thẳng, nâng cao được chất lượng của cuộc sống.
Áp dụng kỹ thuật thở 4 thời
Để thở đúng, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật thở 4 thời có kê mông và giơ chân. Chuẩn bị, đầu tiên, nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Thời 1, hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng từ 4-6 phút (hít ngực bụng nở).
Thời 2, giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân dao động qua lại 4 (hoặc 6) cái, rồi hạ chân, thực hiện từ 4-6 phút (giữ hơi hít thêm).
Thời 3, thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc (thở không kềm thúc).
Thời 4, thư giãn chân tay mềm giãn. Sau đó, tiếp tục trở lại thời một và lặp lại động tác, mỗi lần tập 10 hơi thở, một ngày tập 1 đến 2 lần. Để theo dõi đủ 10 hơi thở dùng cách duỗi (hoặc co) lần lượt mười ngón tay. Chú ý hít vào thở ra bằng mũi.
Việc tập luyện hít thở giúp cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế. Đặc biệt phù hợp với các hội chứng tâm thể; các bệnh có nguyên nhân thần kinh căng thẳng; các trường hợp ứ trệ táo bón, đau bụng kinh cơ năng… Tuy nhiên, chống chỉ định với một số đối tượng như bệnh tâm thần nặng, bệnh cấp tính, cấp cứu.
Nếu không thực hiện bài tập này chúng ta có thể hít thở sâu và giữ hơi trong lúc dao động sẽ giúp sự trao đổi khí diễn ra tốt nhất. Bởi người nào làm chủ hơi thở sẽ làm chủ cuộc sống, làm chủ tâm thể giúp ứng phó tốt với tự nhiên và xã hội
Dấu hiệu nhận biết thở sai
Các dấu hiệu giúp nhận biết bạn đang thở không hiệu quả: Cụ thể như: Thường xuyên mệt mỏi, hô hấp không hiệu quả đồng nghĩa với việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ ôxy, khi đó năng lượng được tạo ra không đủ để cung cấp cho các hoạt động hằng ngày.
Đau mỏi cơ vùng vai gáy, động tác hít thở bằng ngực không thể giúp phổi nở ra tối đa. Các cơ vùng vai, cổ và gáy phải hoạt động nhiều hơn giúp mở rộng lồng ngực để làm tăng lượng không khí đi qua phổi. Điều này lặp lại và kéo dài sẽ tạo ra sự co cứng và cảm giác nhức mỏi của nhóm cơ này.
Khi nhận ra bản thân có những đợt nín thở ngắn, vô thức thì có thể bản thân bạn đang gặp phải stress. Dấu hiệu này nhắc nhở bản thân nên dừng lại và hít thở sâu để lấy lại cân bằng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hit-tho-phai-dung-cach-196240622201054247.htm