Hoài Đức: Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đình, Quán Phương Bảng

Sáng 6-4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Song Phương (huyện Hoài Đức) long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa Đình, Quán Phương Bảng; khai mạc Lễ hội truyền thống làng Phương Bảng - xuân Ất Tỵ năm 2025.

Các đại biểu và nhân dân dự buổi lễ. Ảnh: Ánh Dương

Các đại biểu và nhân dân dự buổi lễ. Ảnh: Ánh Dương

Lãnh đạo huyện Hoài Đức tặng hoa chúc mừng buổi lễ. Ảnh: Ánh Dương

Lãnh đạo huyện Hoài Đức tặng hoa chúc mừng buổi lễ. Ảnh: Ánh Dương

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Chiến cho biết: Mùa xuân lịch sử năm 544, Lý Nam Đế - vị Hoàng đế đã khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân độc lập. Làm nên chiến tích lịch sử to lớn đó có công lao đóng góp của Tướng quân Lý Phục Man - tức Phạm Tu ở xóm Quả Tây, thuộc làng Cổ Sở, sau này được đổi tên thành 2 làng: Yên Sở và Đắc Sở, thuộc huyện Hoài Đức.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Chiến phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Chiến phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Với những chiến công hiển hách và đức độ, Phạm Tu được vua Lý Nam Đế phong là Đại tướng quân. Những chiến công của người đã để lại dấu tích trên địa bàn làng Phương Bảng, được nhân dân suy tôn là Đức thánh Thành hoàng làng.

Theo các tư liệu Hán Nôm hiện lưu tại di tích và theo văn bia tại Quán Giá (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức), Đình và Quán Phương Bảng thờ đức Đại vương - Tướng công Lý Phục Man, là di tích kiến trúc - tôn giáo, có quy mô to lớn, xây dựng thời Lê, tu bổ đầu thời Nguyễn. Cuối thời Nguyễn, năm 1944, Quán được xây dựng thêm tòa Thiên hương với hệ thống cột đá chạm trổ công phu. Những năm 1990, địa phương tổ chức tu bổ nhỏ hệ thống cột trụ, tường bao, nhà tả hữu mạc, đảo ngói…

Di tích Đình và Quán Phương Bảng đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia, tại Quyết định số 423-QĐ/VH ngày 20-2-1997.

Các tiết mục văn nghệ, múa lân, rồng tại lễ hội. Ảnh: Ánh Dương

Các tiết mục văn nghệ, múa lân, rồng tại lễ hội. Ảnh: Ánh Dương

Năm 2023 và năm 2024, Đình, Quán Phương Bảng được đại trùng tu toàn bộ bên quán, cổng đồng trụ và tường bao, các hạng mục đại bái, hậu cung; tôn tạo thiên hương, nghi môn, nhà tả mạc, hữu mạc… Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn khác. Công trình còn được các dòng họ, nhân dân, khách thập phương công đức bằng tiền, hiện vật, ngày công trị giá hơn 7 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức, xã Song Phương, thôn Phương Bảng thực hiện nghi thức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình, Quán Phương Bảng. Ảnh: Ánh Dương

Lãnh đạo huyện Hoài Đức, xã Song Phương, thôn Phương Bảng thực hiện nghi thức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đình, Quán Phương Bảng. Ảnh: Ánh Dương

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Đức Chiến nhấn mạnh, Lễ hội truyền thống làng Phương Bảng nhằm tri ân công đức của Đức Thượng đẳng thần, Tướng công Lý Phục Man, người đã có công dẹp giặc lập nên nước Vạn Xuân, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Lễ hội là biểu tượng văn hóa đặc sắc của địa phương, là dịp để mỗi người dân làng Phương Bảng, xã Song Phương bày tỏ niềm tin, mong muốn có cuộc sống bình an, gia đình ấm no, hạnh phúc và quyết tâm xây dựng quê hương Phương Bảng ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận chúc mừng và ghi nhận việc huy động nguồn lực xã hội hóa của xã Song Phương trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Qua đó, góp phần khơi thông nội lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền xã Song Phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tại Đình, Quán Phương Bảng; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hiện hành về bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện nếp sống văn minh trong các sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích, để di tích thực sự là nơi cố kết cộng đồng, là hồn cốt của làng quê.

Lễ hội truyền thống làng Phương Bảng năm 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 9-4 (ngày 9-3 đến 12-3 âm lịch), với nhiều hoạt động, như: Hát thuyền rồng tại vườn hòa Ao cá Bác Hồ; rước lễ đền Thượng (quán Giá, xã Yên Sở); các trò chơi dân gian; các chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hào khí nghìn năm, kỷ nguyên vươn mình, rực sáng tương lai”, “Triệu con tim, chung khát vọng”; tặng quà những học sinh có thành tích xuất sắc…

Ánh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoai-duc-khanh-thanh-cong-trinh-tu-bo-ton-tao-di-tich-lich-su-van-hoa-quoc-gia-dinh-quan-phuong-bang-698067.html