Hoài niệm một rạp chiếu phim

Trải qua 73 năm, rạp chiếu phim Kiến Thành (sau này đổi tên là rạp chiếu phim Hòa Bình) gắn bó với nhiều thế hệ người dân thị xã Quảng Ngãi (nay là TP Quảng Ngãi) nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

"Biểu tượng" một thời

Những ngày gần đây, thông tin về rạp chiếu phim lâu đời nhất Quảng Ngãi được bán đấu giá thành công khiến không ít người luyến tiếc, hoài niệm về một thiết chế văn hóa đã từng là “biểu tượng” một thời khi nhắc đến phim ảnh.

Giai đoạn trước năm 1975, rạp chiếu phim Hòa Bình có tên là rạp chiếu phim Kiến Thành.

Giai đoạn trước năm 1975, rạp chiếu phim Hòa Bình có tên là rạp chiếu phim Kiến Thành.

Ngược về quá khứ, năm 1950, rạp chiếu phim Kiến Thành do ông Huỳnh Dân xây dựng tại một khu vực thuộc trung tâm thị xã Quảng Ngãi. Thời đó, phim ảnh vẫn còn khá xa lạ đối với người dân. Sau hơn chục năm đi vào hoạt động, rạp chiếu phim này dần trở nên quen thuộc và ngày càng ăn nên làm ra.

Sau giải phóng năm 1975, rạp chiếu phim Kiến Thành chuyển sang Nhà nước quản lý và đổi tên thành rạp chiếu phim Hòa Bình. Sự phát triển mạnh mẽ của phim ảnh cùng với nhu cầu tăng cao của người dân, rạp chiếu phim này tiếp tục giai đoạn thịnh vượng, thường phải hoạt động hết công suất. Để "chen" được suất xem phim ở rạp, nhiều người phải lên kế hoạch trước đó cả tháng và không ngần ngại đi bộ hàng chục cây số.

Bà Võ Thị Xuân Yến (59 tuổi) từng gắn bó 15 năm với rạp chiếu phim Hòa Bình, hồi tưởng: “Vào khoảng năm 1986, tôi bắt đầu thuyết minh phim ở đây. Mỗi khi nhập vai từng nhân vật với nội tâm, cảm xúc vui buồn khác nhau, phải cố gắng khớp vai, khớp thoại, khớp cảnh để người xem hiểu được nội dung phim. Lúc đó rạp chiếu phim có thể nói là nộp ngân sách nhiều nhất tỉnh”.

Trong ký ức của bà Yến, rạp chiếu phim Hòa Bình phục vụ khán giả rất nhiều phim hay. Ngoài phim Việt Nam như: Cô gái trên sông, Biệt động Sài Gòn... còn có phim nước ngoài như: Nàng tiên cá, Ba chàng lính ngự lâm.... Giai đoạn đó, công nghệ còn chưa phát triển, rạp Hòa Bình được xem là địa điểm giải trí lý tưởng của phần đông người Quảng Ngãi.

“Vào những năm 1980-1990, để được vào rạp Hòa Bình xem phim là ước mơ của rất nhiều người, nhất là đối với người dân ở vùng thôn quê, miền núi. Các dịp lễ, Tết, nghỉ hè, khán giả phải xếp hàng dài và đợi rất lâu mới mua được vé”, bà Trần Thị Liễu (67 tuổi, phường Nguyễn Nghiêm) chia sẻ.

Năm 1993, rạp Hòa Bình được Bộ Văn hóa - Thông tin đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của người dân Quảng Ngãi.

"Hụt hơi" trước thời đại

Thế nhưng, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và thị trường phim ảnh, rạp chiếu phim Hòa Bình "hụt hơi", không đáp ứng kịp, nên dần thưa khách. Để cứu vãn tình hình, năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi tính đến phương án xã hội hóa nhưng bất thành.

Từ khi đóng cửa, rạp chiếu phim Hòa Bình bị "bao vây" bởi các hàng quán.

Từ khi đóng cửa, rạp chiếu phim Hòa Bình bị "bao vây" bởi các hàng quán.

Năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đóng cửa rạp chiếu phim Hòa Bình. Nằm ở phường Nguyễn Nghiêm (trung tâm TP Quảng Ngãi) và giữa những con phố buôn bán sầm uất gần chợ Quảng Ngãi- chợ lớn nhất tỉnh, rạp chiếu phim từng một thời vang bóng trở nên im lìm, hoang phế.

Đến đầu năm 2021, rạp chiếu phim Hòa Bình nằm trong danh sách bán đấu giá tài sản công dôi dư, không có nhu cầu sử dụng của tỉnh Quảng Ngãi để tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, cũng như tránh gây lãng phí tài sản công, chấm dứt tình trạng bỏ hoang hóa gây mất mỹ quan đô thị.

rạp chiếu phim Hòa Bình nằm trên 2 mặt tiền đường Duy Tân – Lý Tự Trọng, gần cổng Nam chợ Quảng Ngãi – Trung tâm của vùng lõi đô thị của TP Quảng Ngãi.

rạp chiếu phim Hòa Bình nằm trên 2 mặt tiền đường Duy Tân – Lý Tự Trọng, gần cổng Nam chợ Quảng Ngãi – Trung tâm của vùng lõi đô thị của TP Quảng Ngãi.

Tháng 7/2023, rạp chiếu phim Hòa Bình được một cô gái sinh năm 1992, ở tỉnh Sóc Trăng chi hơn 33 tỷ đồng để giành quyền sử dụng khu đất thương mại dịch vụ trong 49 năm.

“Rạp chiếu phim Hòa Bình đã bỏ hoang nhiều năm, xung quanh rạp trở thành nơi buôn bán hàng hóa, không gian bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí có thời điểm, rạp chiếu phim còn trở thành nuôi chim yến. Nếu lúc trước giữ lại nguyên không gian thì có thể sẽ phát triển được, còn như thực tế hiện nay, việc đấu giá rạp chiếu phim để làm việc khác, phục vụ phát triển kinh tế xã hội là điều hợp lý”, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh nói.

Trong khi thông tin về phương án, chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư vẫn còn là “ẩn số” thì nhiều người cũng bày tỏ tiếc nuối trước việc một thiết chế văn hóa rất thân thuộc bị xóa sổ.

“Rạp chiếu phim Kiến Thành- tức rạp chiếu phim Hòa Bình là địa điểm sinh hoạt văn hóa quen thuộc với người dân thị xã Quảng Ngãi (nay là TP Quảng Ngãi) nói riêng, người dân tỉnh Quảng Ngãi nói chung cả trước và sau giải phóng. Nhắc tới phim ảnh là người ta nghĩ ngay đến rạp này. Giai đoạn sau 1975, kể cả giai đoạn phim băng hình thì rạp cũng hoạt động rất tốt, phát huy được chức năng vốn có. Về sau, theo cơ chế thị trường, hoạt động của rạp khó khăn và đi xuống. Rất tiếc cho một thiết chế văn hóa như thế giờ lại không có giải pháp để phát triển”, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Cao Văn Chư chia sẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoai-niem-mot-rap-chieu-phim.html