Hoài niệm tháng Năm

Tháng Năm nghiêng mình vén bức màn mưa bụi của mùa xuân, gọi nắng vàng gieo lên cảnh vật và lòng người cảm giác oi bức, nóng nực. Mây bồng bềnh nhẹ trôi trên nền trời xanh thẫm, khẽ khàng thay tấm áo non xanh mỡ màng của chồi non, lộc biếc bằng rực rỡ sắc hoa. Nắng vàng thênh thang luồn chỉ vào chiếc kim kỳ vĩ của thời gian, khoác lên cảnh vật chiếc áo tơ vàng óng ả. Giữa khúc hoan ca của tháng Năm, dường như trong lòng mỗi người đang ngân lên những giai điệu dịu dàng thật khẽ. Giai điệu của lòng tự hào, biết ơn, tình yêu thương và cả những chất chứa hoài niệm.

Sau những ngày nắng nóng oi cả, con người ta cứ tha thiết mong mỏi cơn giông cuối ngày để xoa dịu cảm giác, để con nước ùa về tắm mát hoa cỏ và gội rửa tâm hồn. Mưa xuống, xoa dịu bầu không khí oi bức, cành phượng vĩ dụi đầu vào cơn mưa và gật gù theo từng làn gió thổi. Sớm ngày sang, trời mát rượi, tán bằng lăng tím biếc dọc dài đôi bờ sông, thẹn thùng soi mình kiếm tìm những chao nghiêng trong một ngày tháng Năm hiếm hoi dịu mát. Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng mà cứ mỗi độ tháng Năm về, đôi bờ sông Hiến Giang và dọc dài những con đường ở Cao Bằng lại rộ lên tím thẫm? Ngay cả những người tâm hồn ít nhạy cảm nhất cũng chững lại vài phút, rút chiếc điện thoại thông minh của bản thân, lặng lẽ đứng chụp vài tấm hình và ngắm nhìn mây bay dịu nhẹ.

Khi còn nhỏ, ta yêu tháng Năm nhất bởi hè sang gắn liền với kỳ nghỉ dài. Còn bây giờ, khi đã lớn hơn, ta yêu tháng Năm bởi tháng Năm gắn liền với những giai điệu lịch sử hào hùng chất chứa trong máu thịt, trong tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Đó là trang sử “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” với ngày 7/5/1954 khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries (Đờ-cát), đánh dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ trên lãnh thổ nước nhà.

Cao Bằng quê hương tôi những ngày tháng Năm thật đẹp biết bao. Chỉ cần đi giữa lòng Thành phố, trên khắp các tuyến đường, sắc hoa Osaka đỏ, muồng hoàng yến, bằng lăng và cả phượng vĩ bung nở rực rỡ. Giữa thanh âm phố thị náo nhiệt, những vần thơ dung dị, thân thương trong bài thơ “Cao Bằng” của tác giả Trúc Thông lại thổn thức gọi khẽ “Cao Bằng, rõ thật cao!/Rồi dần dần bằng xuống/Đầu tiên là mận ngọt/Đón môi ta dịu dàng/Rồi đến chị rất thương/Rồi đến em rất thảo/Ông lành như hạt gạo/Bà hiền như suối trong/Còn núi non Cao Bằng/Đo làm sao cho hết/Như lòng yêu đất nước/Sâu sắc người Cao Bằng”. Con người, cảnh vật Cao Bằng dung dị, nhẹ nhàng. Một Thành phố miền sơn cước, phên dậu của Tổ quốc không quá xô bồ, cuộc sống nơi đây cũng chậm rãi, dịu êm như dòng Bằng Giang vẫn ngày ngày chảy qua Thành phố.

Tháng Năm nhớ về Bác để thấy lòng ta trong sáng hơn và để ta tự lớn hơn mình một chút. Ảnh Thế Vĩnh

Tháng Năm nhớ về Bác để thấy lòng ta trong sáng hơn và để ta tự lớn hơn mình một chút. Ảnh Thế Vĩnh

Nhớ tới những ngày lịch sử tháng Năm là nhớ tới sinh nhật Bác Hồ. Tôi sinh ra khi nước nhà đã hòa bình và là thế hệ trẻ may mắn được thụ hưởng trọn vẹn nền hòa bình mà cha ông thế hệ trước đánh đổi bằng tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão và cả máu xương. Chưa từng được sống trong những ngày lịch sử hào hùng của dân tộc, chưa từng được nghe giọng Bác, chỉ được nhìn thấy Bác thông qua tranh, ảnh, tượng đài hay trong lời những bài hát, câu chuyện trong sách, báo. Nhưng cũng giống như trăm triệu thanh niên người Việt Nam đang sống mỗi ngày, Bác Hồ luôn hiện lên với hình ảnh thân thương, gần gũi, giản dị nhưng quá đỗi lớn lao. Nỗi nhớ về Bác vẫn ngân lên theo từng nhịp đập trái tim mỗi khi tháng Năm về, để rồi tự hào biết mấy khi được sinh ra, sống và làm việc ngay trên mảnh đất Cao Bằng lịch sử nơi Bác từng vượt cột mốc 108 sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về.

Nếu chưa có dịp đặt chân đến Cao Bằng, ít người biết được rằng ngay giữa trung tâm Thành phố, nhân dân các dân tộc tỉnh đã xây dựng một tượng đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, một tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, thể hiện tấm lòng kính yêu của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc. Tháng Năm về nhớ Bác, rất nhiều bạn trẻ thành kính dâng hoa lên Bác tại đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngắm nhìn dòng người đến rồi rời đi lại càng cảm thấy tự hào xen lẫn nỗi niềm biết ơn da diết.

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Người là niềm tin, lẽ sống, là kim chỉ nam cho mỗi người dân đất Việt noi theo và là tấm gương để mỗi người tự soi lại chính mình. Tháng Năm nhớ về Bác để thấy lòng ta trong sáng hơn và để ta tự lớn hơn mình một chút, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/Màu quê hương bền bỉ đậm đà/Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…”.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoai-niem-thang-nam-3177373.html