Hướng về cội nguồn, thắp lửa truyền thống ngành Công Thương
Tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, đoàn công tác Bộ Công Thương đã dâng hương tri ân, thắp lên niềm tự hào và trách nhiệm tiếp nối di sản cha ông.
Ngành Công Thương hướng về nguồn cội
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, những người con ngành Công Thương Việt Nam không khỏi bồi hồi, xúc động khi hướng tới ngày truyền thống. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 - 14/5/2025), với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 23/5, đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn đã tổ chức chương trình “về nguồn” thăm khu di tích lịch sử Bộ Công Thương, khu di tích lịch sử Tân Trào và một số địa danh lịch sử tại Tuyên Quang.
Trong 74 năm phát triển, cán bộ, công chức, người lao động các thế hệ của ngành Công Thương cả nước luôn ghi nhớ ơn nghĩa của nhân dân xã Minh Thanh cũng như khu ATK đã giúp đỡ, bao bọc những cán bộ ngành Công Thương từ những ngày gian khổ trong kháng chiến chống Pháp.

Đoàn công tác Bộ Công Thương dâng hương tại khu di tích lịch sử của Bộ Công Thương tại tỉnh Tuyên Quang.
Tại khu di tích này, nhiều sự kiện quan trọng của ngành, nhiều chính sách, chủ trương lớn về công thương nghiệp giai đoạn kháng chiến chống Pháp đã được ra đời tại đây dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra vào tháng 2/1951. Do đó, tổ chức thăm và dâng hương tại khu di tích đã trở thành truyền thống của ngành Công Thương mỗi khi tháng 5 về, để được nhớ lại những giai đoạn lịch sử gian khó và vinh quang của ngành, hòa trong lịch sử oai hùng của dân tộc.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng dâng hương tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương.
Tại khu di tích vẫn còn tấm bia đá tưởng niệm đã ghi lại những dấu mốc về lịch sử hình thành từ những ngày đầu thành lập của Bộ Công Thương với những dòng chữ: Ngày 14/5/1951, theo Sắc lệnh số 21/SL, Bộ Kinh tế đổi tên thành Bộ Công Thương. Cơ quan Bộ Công Thương đóng tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng cán bộ, viên chức, người lao động ngành Công Thương lắng nghe những câu chuyện lịch sử tại khu di tích lịch sử đặc biệt đối với ngành.
Giữa không gian trang nghiêm, tĩnh lặng và yên bình tại khu di tích, những người con ngành Công Thương thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ sự tri ân với thế hệ cha ông - những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ tổ quốc và đặt nền móng xây dựng ngành Công Thương có được như ngày hôm nay.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại khu di tích lịch sử Bộ Công Thương.
Sau đó, đoàn tiếp tục đến thăm khu di tích lịch sử Lán Nà Nưa. Đây là di tích gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945. Từ căn lán đơn sơ này, với những nhận định đúng đắn về tình hình trong nước và quốc tế, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có những quyết sách đưa cách mạng Việt Nam làm nên những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại.

Đoàn công tác dâng hương tại khu di tích Lán Nà Nưa.
Lán Nà Nưa là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 1972, để bảo tồn giá trị đặc biệt của di tích, Lán Nà Nưa đã được phục dựng lại tại chính địa điểm căn lán cũ, thuộc xã Minh Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. 79 bậc đá bước lên Lán Nà Nưa được tượng trưng cho 79 mùa xuân, Bác đã dành trọn cho non sông, đất nước.

Lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.
Tự hào tiếp nối ngọn lửa cách mạng của những người đi trước
Đoàn cũng đã tham quan di tích đình Tân Trào - nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội, được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/8/1945.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, nhân dân cả nước Việt Nam nhất tề đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc” giành chính quyền về tay nhân dân, làm chủ đất nước mình.

Di tích đình Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Đứng lặng dưới mái đình Tân Trào rêu phong nhuốm màu thời gian, trước “Tấm đá thề” thiêng liêng, những người con ngành Công Thương như lặng nghe vang vọng trong gió lời hiệu triệu năm xưa của Bác Hồ, lời thề son sắt giữa núi rừng, dẫu phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng quyết giành độc lập, tự do cho dân tộc. Âm vang ấy, qua bao thế hệ, vẫn khắc sâu trong tim như một ngọn lửa bất diệt dẫn đường cho hành trình tiếp nối.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại đình Tân Trào.
Kết thúc chuyến đi về nguồn, đoàn công tác đã đến thăm khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng. Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các vị tiền bối cách mạng - những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tại đây có nhà lưu niệm 14 vị tiền bối cách mạng gồm các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu. Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào cũng là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ sức mạnh và hào khí dân tộc. Nơi đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương chụp ảnh lưu niệm tại khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, khép lại hành trình tri ân đầy ý nghĩa về cội nguồn cách mạng.
Chuyến hành trình về nguồn tại các địa điểm lịch sử Tuyên Quang không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương lắng đọng, tiếp thêm động lực cống hiến. Đây là hoạt động thường niên nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và đổi mới vì sự phát triển bền vững của ngành.