Hoãn cuộc họp không cần thiết, tập trung ứng phó bão mạnh nhất trong 5 năm
'Các địa phương xem xét, tạm dừng các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão Noru…' - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo như trên khi phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Noru vào chiều nay (25/9).
Cơn bão mạnh nhất trong 20 năm ở Trung Trung Bộ
Thông tin tại cuộc họp chiều 25/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) Trần Hồng Thái cho biết, dự kiến trong chiều nay, bão Noru sẽ đổ bộ vào Philippine; rạng sáng ngày 26/9 sẽ đi vào Biển Đông, với cường độ cấp 13, giật cấp 16.
“Dự kiến rạng sáng 28/9, bão sẽ đi vào đất liền nước ta, với trọng tâm ảnh hưởng là các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão số 6 năm 2006, bão số 9 năm 2009 và bão số 10 năm 2010…” - ông Trần Hồng Thái thông tin thêm.
Do ảnh hưởng của bão Noru, từ cuối chiều nay (25/9), ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6 - 8m, vùng gần tâm bão có thể cao đến 10m; biển động mạnh.
Đại tá Dương Thế Võ - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, biên phòng tuyến biển đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền với hơn 300.000 lao động biết về diễn biến của bão Noru để chủ động phòng tránh; không đi vào và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
“Trong 24 giờ tới, Bộ Tư lệnh sẽ tập trung kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Trong số này, có 100 tàu cá của Bình Định, 24 phương tiện của Quảng Ngãi, 2 tàu của Phú Yên và 1 phương tiện của Quảng Nam…” - đại tá Dương Thế Võ cho hay.
Các địa phương chủ động ứng phó
Trước diễn biến của bão Noru, các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản để chỉ đạo sẵn sàng biện pháp ứng phó với bão gần Biển Đông. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận cũng đã rà soát phương án sơ tán gần 214.000 hộ dân; trong đó, vùng trọng tâm ảnh hưởng cảu bão (từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi) có 93.312 hộ dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, sau khi có thông tin bão Noru, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai biện pháp ứng phó. Toàn tỉnh hiện có 6 phương tiện hoạt động trên biển, còn lại tất cả tàu thuyền đã vào bờ; sáng ngày mai (26/9), 6 phương tiện này sẽ vào bờ.
“Các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể về ảnh hưởng của bão để cho học sinh nghỉ học. Nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo tiền phương để chủ động ứng phó, xử lý tình huống trong bão. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ cho người dân, vì mưa lớn có thể khiến tình trạng chia cắt kéo dài…”
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp
Liên quan đến tình hình hồ chứa, ông Phương cho biết dung tích khoảng 2 tỷ m3. Các hồ đều đang được vận hành an toàn, đưa về mực nước thấp để chủ động đón lũ. Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát hệ thống đê điều, các dự án nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai để lên phương án bảo đảm an toàn…
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, địa phương đã thông báo cho toàn bộ tàu thuyền trên biển không đi vào, thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão Noru. Bên cạnh đó, các địa phương đang tích cực hỗ trợ Nhân dân chằng chống nhà cửa; kiểm tra các công trường đang thi công, xây dựng phương án bảo đảm an toàn khi bão đi vào đất liền.
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Quảng Nam và một số địa phương cho biết đã chỉ đạo ngành công thương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, bảo đảm phục vụ đủ trong vòng 7 ngày cho người dân khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, lên phương án di dời người dân sinh sống tại khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt khi có mưa lớn… đến nơi tránh trú an toàn.
Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đánh giá bão Noru có cường độ mạnh nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, ảnh hưởng của bão trên phạm vi rất rộng. Do đó, các địa phương tuyệt đối không được phép chủ quan.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, qua kinh nghiệm, với bão có cường độ lớn từ cấp 13 trở lên, ảnh hưởng và thiệt hại sẽ rất lớn. Những năm trước, bão chỉ đổ bộ cấp 12 - 13 nhưng cũng để lại thiệt hại lớn, do đó tinh thần là trung ương và các địa phương phải tập trung, ứng phó chủ động và sớm nhất với bão.
“Tôi hoan nghênh một số địa phương có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng tham dự cuộc họp này. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, do đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra…” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Đánh giá các địa phương đã khá chủ động trong công tác ứng phó, Phó Thủ tướng đề nghị cần chuẩn bị phương án ứng phó kỹ lưỡng hơn, bởi bão Noru được nhận định có cường độ rất lớn khi đi vào đất liền. Nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới là khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
“Chậm nhất là sáng ngày mai (26/9), các địa phương lên phương án tổ chức cấm biển. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc neo đậu, ra khơi của tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy; tránh trường hợp vào bờ rồi vẫn bị thiệt hại do bất cẩn…” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần tập trung rà soát, lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là lương thực, thực phẩm, bảo đảm đời sống cho người dân trong trường hợp mưa lũ kéo dài.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương xem xét, tạm dừng, hoãn cuộc họp không thực sự cần thiết, thành lập đoàn công tác xuống cơ sở để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão Noru. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các bộ ngành nghiên cứu, thành lập đoàn công tác để tăng cường kiểm tra, chỉ đạo ứng phó trong thực tế.
Liên quan đến công tác dự báo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh dự báo là cực kỳ quan trọng. Ngoài thường trực 24/24 giờ, cần tham khảo quốc tế để có dự báo chính xác nhất. Từ đó, các cấp bộ ngành trung ương, địa phương vùng ảnh hưởng xây dựng phương án ứng phó phù hợp với từng tình huống bão.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý việc quản lý chặt chẽ vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi; Tập trung hỗ trợ bà con thu hoạch nông sản; Lên phương án phục hồi sản xuất trong tình huống mưa lũ ảnh hưởng để sớm ổn định sản xuất cho người dân…
Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, tại khu vực miền Trung hiện có 4 hồ chứa thủy điện đang phải xả tràn, gồm: Chi Khê, Nhạc Hạc, Đắk Mi và hồ Sông Ba Hạ. Ngoài ra, 2 hồ chứa thủy lợi tại khu vực Bắc Trung Bộ cũng đang phải xả tràn.
Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ - vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, hiện vẫn còn khoảng 124.000ha lúa chưa thu hoạch. Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận hiện có hơn 116 triệu con gia súc, gia cầm. Nguy cơ mưa lũ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân các địa phương là rất lớn.