Hoàn thành dự án truyền tải điện do Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay
Việc đóng điện toàn bộ dự án Đường dây 220 kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, vào tối qua, ngày 31/12/2021, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện cung đoạn đường dây 220 kV Quảng Ngãi – Phù Mỹ, qua đó hoàn thành toàn bộ dự án Đường dây 220 kV Quảng Ngãi – Quy Nhơn.
Dự án Đường dây 220 kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn là tiểu dự án của khoản vay Hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) và đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay ODA có hiệu quả với Hiệp định của khoản vay TEP sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2021.
Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 2 và Công ty Truyền tải điện 3 tiếp nhận vận hành. Dự án xây dựng đường dây 220 kV mạch kép, dài khoảng 141km, với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ, giai đoạn 1 chỉ treo dây 01 mạch.
Dự án khởi công ngày 28/12/2015, đã hoàn thành đóng điện đoạn tuyến từ Phù Mỹ - Quy Nhơn ngày 31/12/2017. Đoạn tuyến từ Phù Mỹ - Quảng Ngãi dài hơn 84 km vướng mặt bằng 1 khoảng néo từ vị trí 18 đến vị trí 21 với 7 hộ dân (thuộc địa phận thị xã Đức Phổ - tỉnh Quảng Ngãi) không chịu chấp thuận phương án bồi thường mặc dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích nhiều lần.
Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay ODA có hiệu quả, phát huy vai trò của dự án, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chủ đầu tư hỗ trợ lực lượng bảo vệ thi công khoảng néo còn vướng mắc và đã hoàn thành toàn bộ mặt bằng để dự án đóng điện vào ngày 31/12/2021.
Việc hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành toàn bộ dự án Đường dây 220 kV Quảng Ngãi - Quy Nhơn có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Dự án tạo tăng cường liên kết lưới điện 220 kV giữa 2 miền Bắc Trung Bộ và Nam Trung bộ hình thành trục đường dây 220 kV khu vực duyên hải miền Trung; tăng cường khả năng hỗ trợ cung cấp điện và vận hành linh hoạt trong hệ thống điện quốc gia, đặc biệt góp phần giải phóng công suất từ các nhà máy năng lượng tại tạo khu vực./.