Hoàn thiện bộ máy, bảo đảm tính độc lập theo thẩm quyền xét xử của Tòa án
Định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Hoàn thiện bộ máy, bảo đảm tính độc lập theo thẩm quyền xét xử của Tòa án sẽ bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật, ngăn chặn mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp.
Tại Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, chiều 26/2, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC đã báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.
Hiểu đúng về vai trò, vị trí của Tòa án
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về cải cách tư pháp, về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới cho Tòa án. Trong đó Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".
Giải pháp là “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”; “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”; “Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án”; “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử.
Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng Tòa án điện tử.”; “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.”; “Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp; của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp".
Theo báo cáo tại hội nghị, Luật Tổ chức TAND sau 8 năm thi hành, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; Đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng giảm, đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Công tác xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử được thực hiện một cách hiệu quả, tạo điều kiện cho Tòa án các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện đáng kể góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Cụ thể, nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” chưa thực sự phù hợp, thống nhất dẫn tới việc xác định chưa đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án.
Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thực sự phù hợp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động; Chưa có cơ chế hiệu quả bảo vệ cho các Thẩm phán; Cơ chế phân bổ, phê duyệt ngân sách cho Tòa án còn bất cập.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đánh giá, những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nêu trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại; cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Đổi tên TAND cấp tỉnh, huyện và thành lập thêm Tòa chuyên trách
Xuất phát từ thực tiễn trên và để thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về cải cách tư pháp, về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đã đưa ra 6 định hướng trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND.
Các định hướng gồm: Hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án; Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; Sửa đổi, bổ sung về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Hoàn thiện quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; Bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án.
Trong đó, điểm nhấn là việc thay đổi xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử thay vì theo cấp hành chính. Theo báo cáo, đối với TANDTC, cơ bản giữ nguyên bộ máy giúp việc nhưng sẽ sắp xếp lại 3 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tên gọi, cơ cấu tổ chức bộ máy TAND cấp cao cơ bản giữ nguyên như hiện tại; bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ; Tòa chuyên trách về Phá sản (trước mắt chỉ thành lập Tòa chuyên trách về Phá sản ở TAND cấp cao Hà Nội và Hồ Chí Minh và Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ ở TAND cấp cao Hà Nội).
Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp cao theo hướng phù hợp với thẩm quyền xét xử của TAND phúc thẩm và TAND chuyên biệt theo địa hạt tố tụng.
Đối với TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có 2 phương án: Đổi tên thành TAND phúc thẩm (Ví dụ: TAND phúc thẩm Hải Phòng), giữ nguyên cơ cấu tổ chức hoặc giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức như hiện hành.
Về chức năng, nhiệm vụ, cả 2 phương án đều định hướng sửa đổi TAND phúc thẩm (TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo hướng chuyển thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc thuộc các lĩnh vực đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho TAND chuyên biệt.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, TAND cấp tỉnh vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; xét xử các vụ án hình sự về những tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài.
Đối với TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ đổi thành TAND sơ thẩm (Ví dụ: TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm). Chức năng, nhiệm vụ của TAND sơ thẩm sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng: TAND sơ thẩm có nhiệm vụ giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND phúc thẩm và TAND chuyên biệt.
Bên cạnh đó, Tòa án Quân sự cũng được định hướng bổ sung xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong Quân đội
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án
Một điểm nhấn nữa trong 6 định hướng được Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ đưa ra tại Hội nghị là việc hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án.
Trong đó, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của TAND: Mở rộng việc xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật. Mở rộng việc xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật.
Mở rộng việc xem xét, quyết định văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của luật.
Đáng chú ý, định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND sẽ xem xét bỏ hoặc giữ nguyên quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ, việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Tòa án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.
Bên cạnh đó, thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc cũng được xem xét bãi bỏ.
Có 2 phương án được đưa ra, phương án 1 chỉ bỏ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự; quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo hướng Tòa án có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ; nghĩa vụ thu thập và cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự; Tòa án có thẩm quyền hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ khi xét thấy cần thiết.
Phương án 2 bỏ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự.
“Về bản chất, tranh tụng là việc các bên đưa ra chứng cứ và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Tòa án đóng vai trò là trọng tài phân xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Để tăng cường tranh tụng trong xét xử, cần xác định trách nhiệm thu thập chứng cứ thuộc về Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra trong vụ án hình sự; các bên trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính”, báo cáo cho biết.