Hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch đặc trưng
HNN - Trong chiến lược phát triển du lịch giai đoạn sắp tới, Huế sẽ tập trung hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch Huế và hình thành một số sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Khách trải nghiệm chơi bài chòi ở Cầu ngói Thanh Toàn
Trăn trở về sản phẩm
Vừa qua, ngành du lịch Cố đô đã khảo sát khảo sát 1.800 khách du lịch, 600 khách cho mỗi nhóm gồm: Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc. Khảo sát đã tổng hợp ý kiến đánh giá của các sản phẩm dịch vụ chính của du lịch Huế. Kết quả cho thấy, về đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ, đa phần khách du lịch đánh giá tốt dịch vụ tham quan. Ở mức độ tốt tiếp theo là dịch vụ lưu trú, ăn uống, nghệ thuật biểu diễn. Các dịch vụ chưa đạt được mức tốt cần được chú ý là du thuyền trên sông Hương, mua sắm, vui chơi giải trí, vận chuyển và tổ chức chương trình tour.
Mặc dù có nhiều lợi thế, song vẫn còn nhiều trăn trở liên quan đến các sản phẩm du lịch của Cố đô. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế chia sẻ, trong phát triển du lịch và thu hút khách, sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Huế có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch, nhưng sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng và hấp dẫn, chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch vốn có của Huế.
Không phủ nhận ngành du lịch Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay, nhất là tập trung vào chủ đề “Du lịch xanh” như: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám, chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá… Nhiều sản phẩm du lịch gắn với hoạt động bảo vệ môi trường đã triển khai trên địa bàn được cộng đồng và du khách hưởng ứng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, Huế chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu tham quan văn hóa lịch sử và ẩm thực, còn vui chơi, giải trí, mua sắm thì chưa, các dịch vụ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch và chưa đạt chất lượng cao.
Một trong những điểm nổi bật, vốn là thế mạnh của Huế là ẩm thực, nhưng không được làm mới thường xuyên nên du khách cũng nhàm chán. Khách Pháp vốn rất thích văn hóa của Huế. Dòng khách từ thị trường châu Âu này thích đền đài, lăng tẩm, sinh thái, nhà vườn, sông Hương và tất cả những gì thể hiện bằng văn hóa, như cách lồng văn hóa Huế vào trong ẩm thực. Nhưng trong khoảng từ 5 - 10 năm nay ít có sự thay đổi trong sản phẩm đó nên khách Pháp ít quay trở lại.
Theo các chuyên gia du lịch, hoạt động du lịch còn đơn điệu, chưa khai thác tốt các giá trị độc đáo, đặc trưng của loại hình văn hóa - di sản để tạo ra những sản phẩm khác biệt. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có những chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn còn manh mún, mang tính tự phát, tính tổ chức và liên kết thấp, chưa thể hiện lợi thế cạnh tranh từ những tài nguyên du lịch đặc trưng của địa phương. Các trung tâm du lịch biển và đầm phá hình thành chậm, chưa đủ sức cạnh tranh, thu hút khách về với Huế. Cơ sở phục vụ khách du lịch (phố ẩm thực, phố đo may áo dài, phố bán hàng lưu niệm, điểm diễn nghệ thuật truyền thống…) gần như chưa đáp ứng nhu cầu khách du lịch hoặc chưa có.
Đặc biệt, Huế vẫn còn thiếu các sản phẩm mua sắm, các dịch vụ vui chơi giải trí với quy mô, bổ trợ, phù hợp khách nội địa; thiếu các cơ sở dịch vụ phục vụ khách quy mô lớn như nhà hàng, điểm mua sắm… phục vụ đoàn khách lớn. Điều này dẫn đến sự nhàm chán của du khách, thời gian ở lại ngắn, mức chi tiêu rất thấp.
Hiện nay, Huế tổ chức rất nhiều sự kiện, lễ hội, đặc biệt là Festival Huế, nhưng rất ít sự kiện, hoạt động trở thành sản phẩm du lịch, đặc biệt rất hiếm sự kiện, lễ hội được duy trì thời gian cố định để định kỳ tổ chức cho các năm tiếp theo, rất khó cho du khách và lữ hành chuẩn bị, sắp xếp.
Hoàn thiện sản phẩm
Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm cho biết, thời gian tới, ngành du lịch địa phương sẽ tập trung hoàn thiện bộ du lịch sản phẩm du lịch đặc trưng, thương hiệu du lịch Huế và hình thành một số sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Huế sẽ ưu tiên phát triển du lịch di sản, trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở Quần thể Di tích Cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội để phục vụ du khách. Cấu trúc lại các dịch vụ trong các điểm di tích đảm bảo tính chuyên nghiệp, bài bản, chiến lược trên cơ sở quy hoạch rất chi tiết các hạng mục, công năng dịch vụ trong từng điểm di sản. Chú trọng ứng dụng công nghệ số trong quản lý và khai thác đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách du lịch. Xây dựng và sớm đưa vào khai thác tuyến du lịch bằng đường thủy dọc sông Hương và các sông: Đông Ba, An Cựu, Ngự Hà gắn với phát triển các dịch vụ.
TP. Huế cũng sẽ tập trung nguồn lực để làm “sáng và nổi bật” các sản phẩm, dịch vụ du lịch trục sông Hương từ cầu Phú Xuân – cầu Trường Tiền gắn với khai thác các loại hình du lịch phố ẩm thực, phố trưng bày kết hợp chuỗi nhà hàng cao cấp.
Trên xu thế hiện nay, du lịch Huế sẽ đẩy mạnh sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị của công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng đồ sộ và đa dạng của văn hóa - lịch sử - con người Huế như: áo dài, thực cảnh, âm nhạc, phim trường... Xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc (gồm ca Huế trên sông Hương và ca Huế thính phòng). Phát triển đa dạng gắn với nâng cao chất lượng các loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch biển, đầm phá; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch ẩm thực...