Bản vùng cao Nghệ An lập hương ước bảo vệ loài cá quý hiếm
Khi cá mát đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều bản làng vùng cao ở Nghệ An thành lập tổ tuần tra, đưa loài cá này vào hương ước để bảo vệ.

Suối Nặm Cướm chảy qua xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Phạm Tâm)
Tổ tuần tra bảo vệ cá mát
Ẩn mình giữa những dòng suối trong vắt ở miền Tây Nghệ An, có một loài cá đặc biệt mang tên “cá Mát”. Cá mát trông giống cá chép nhưng thân mình nhỏ, thon hơn, phần vảy ánh bạc, vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới nắng.
Nhờ hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng, loài cá này từ lâu trở thành đặc sản trứ danh, gắn liền văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao xứ Nghệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cá mát đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng khai thác quá mức.
Diên Lãm (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) là xã miền núi đặc biệt khó khăn, cuộc sống người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đi rừng hái lâm sản và khai thác thủy sản. Dòng suối Nặm Cướm chính là nơi cung cấp thực phẩm phong phú cho dân bản.
Ngoài cá mát, dòng suối này còn có nhiều loài khác như cá còm, láu, chạch suối... Tình trạng khai thác cá quá mức, đặc biệt là tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt khiến nhiều loài thủy sản trên con suối này gần như cạn kiệt.
Cuối năm 2022, chính quyền xã Diên Lãm thông qua Đề án Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá mát Nặm Cướm. Sau 3 năm triển khai, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn từng bước “hồi sinh”. Không chỉ cá mát mà nhiều loài khác cũng nhờ đó mà sinh sôi nảy nở.

Camera an ninh được lắp bên suối để bảo vệ cá mát.
Ông Lương Văn Long, Trưởng bản Cướm, xã Diên Lãm cho biết, từ khoảng năm 2010, các loài cá trên dòng Nặm Cướm ít dần. Lo loài cá đặc sản này “tuyệt chủng”, ai cũng tiếc nuối nên rất ủng hộ chủ trương bảo tồn cá mát của chính quyền địa phương.
Việc bảo vệ cá mát được đưa vào hương ước của từng bản. Nếu ai dùng kích điện, thuốc nổ, mìn để khai thác thủy sản thì bị tịch thu dụng cụ, xử phạt hành chính, nêu tên lên loa phát thanh để cảnh cáo.
Bên cạnh việc cắm biển báo, lắp camera an ninh ở những vị trí xung yếu để theo dõi, xã Diên Lãm còn lập các tổ tuần tra, ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá.
Theo ông Long, mỗi bản đều thành lập một tổ tuần tra, có trách nhiệm rà soát để ngăn chặn tình trạng người dân đánh bắt cá. Tháng 2-3 Âm lịch hàng năm là thời gian cá mát sinh sản. Đây là thời điểm rất quan trọng, buộc họ phải đi tuần tra cả đêm.
Sau gần 2 năm canh giữ, từ năm 2024, xã Diên Lãm tổ chức “Ngày hội đánh bắt cá Nặm Cướm” mỗi năm một lần. Trong ngày này, người dân sử dụng chài, lưới để đánh bắt cá mang về ăn hoặc đem bán.
“Tại ngày hội bắt cá, mỗi người tham gia bắt được từ 1 đến 1,5kg cá mát. Đây là tín hiệu rất tốt, cho thấy cá mát đã phát triển mạnh trở lại”, ông Long chia sẻ.

Cá mát là món ăn đặc sản ở vùng cao Nghệ An. (Ảnh: Bé Vinh)
Góp quỹ bản nhờ giống cá đặc sản
Tại các huyện vùng cao Nghệ An, cá mát thường được bán với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhưng không phải muốn mua là có.
Do nhu cầu lớn, giá đắt đỏ, cá mát trở thành mục tiêu săn bắt ở mọi ngóc ngách khe suối bằng nhiều hình thức, thậm chí dùng kích điện, đánh mìn. Trước nguy cơ biến mất sản vật quý hiếm này, nhiều bản làng đưa nội dung “bảo vệ cá mát” vào hương ước.
Tại huyện Tương Dương, xã Tam Hợp là một trong những địa phương đầu tiên lập quy ước để bảo tồn, tái tạo cá mát ở tỉnh Nghệ An. Năm 2018, chính quyền xã họp dân, nói rõ nguy cơ và mục tiêu bảo tồn các loài cá có giá trị, trong đó có cá mát.
5 khu vực suối Chà Lạp chảy qua các bản trong xã, mỗi khu vực từ 800 - 1.000m, được khoanh vùng cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức.

Người dân Nghệ An khai thác cá mát. (Ảnh: Bé Vinh)
Ông Hà Văn Nghệ, Trưởng bản Văng Môn, xã Tam Hợp cho biết, theo quy định của bản, 1km ở trung tâm bản thuộc khu vực cấm đánh bắt cá. Những khu vực còn lại người dân được đánh bắt, nhưng chỉ sử dụng chài lưới, nghiêm cấm đánh bắt bằng kích điện, thuốc nổ.
Sau nhiều năm kiên trì bảo vệ, đến nay, cá mát phục hồi một cách kỳ diệu trên các con suối, bơi ra khỏi “vùng cấm”. Nhờ đó mà người dân đánh bắt được nhiều hơn, nên cũng tự giác bảo vệ, không cần phải nhắc nhở, tuần tra như trước.
Mỗi năm, bản Văng Môn tổ chức đánh bắt cá mát ở khu vực cấm 3 lần. Cá mát đánh bắt được phần lớn bán lấy tiền để làm quỹ, riêng lần đánh bắt cá Ngày hội Đại đoàn kết (tháng 11) được giữ lại để dân bản mở tiệc, chung vui.
Theo ông Nghệ, mỗi năm bản này thu được 50 - 60 triệu đồng từ việc đánh bắt cá mát. Nhờ số tiền này mà bản có tiền để chi trả tiền điện thắp sáng đường, mua sắm đồ dùng chung, thăm và hỗ trợ người già ốm đau, khó khăn.
Cá mát có tên khoa học Onychostoma gerlachi (hay còn gọi là cá sỉnh cao, cá niên). Sách đỏ Việt Nam liệt kê cá mát là loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng (mức VU), cần được bảo vệ.