Hoàn thiện chính sách: Cơ sở để hướng nguồn lực kiều bào vào các dự án lớn
Để bà con kiều bào ở nước ngoài đầu tư vào các dự án, công trình lớn, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đang khẩn trương tham mưu, hoàn thiện đề án: 'Phần mềm dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài' và đề án 'Chính sách thu hút kiều bào trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2030'.
Trong thu hút nguồn lực kiều bào, TPHCM luôn dẫn đầu cả nước với khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với Thành phố; khoảng hơn 3 nghìn doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng.
Đầu tư của kiều bào ngày càng tăng về số lượng
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Theo Báo cáo xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu, TPHCM là địa phương duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp từ tháng 3/2020 cho đến nay. Theo ông Võ Văn Hoan, sự phát triển nhanh của trung tâm tài chính này một phần nhờ vào nguồn lực tài chính bên ngoài: Các khoản viện trợ, hợp tác, kiều hối, dự án đầu tư nước ngoài. Hai năm liên tiếp, TPHCM dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp thành phố đạt 5,85 tỷ USD, một phần trong số đó là nguồn vốn của Việt kiều.
Thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho thấy, lượng kiều hối chuyển về TPHCM năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lượng kiều hối gửi về hằng năm của Thành phố chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối trên cả nước. Quý I/2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc nhận định, kiều hối chỉ là một phần đóng góp của kiều bào vào sự phát triển của TPHCM cũng như cả nước. Để sử dụng dòng vốn từ kiều bào thực sự hiệu quả, chính quyền Thành phố và bản thân kiều bào cũng phải chủ động hơn, đầu tư vào những lĩnh vực mới như kinh tế xanh, công nghệ cao...
Đóng góp của kiều bào chuyển dịch về chất
Gần đây, một xu hướng rõ nét là dạng kiều hối về Việt Nam đơn thuần để trợ giúp người thân trong nước có xu hướng giảm. Kiều hối dần chuyển sang dạng đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mua bất động sản tại Việt Nam; ngày càng tăng các nguồn đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ: Công nghệ bán dẫn, thiết kế, chế tạo linh kiện vi mạch điện tử…
Trong thời kỳ dịch COVID-19, Thành phố ghi nhận nguồn đóng góp lớn và thiết thực của kiều bào về vaccine; máy trợ thở; thuốc, phương tiện y tế và tiền bạc… Rất nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, mang tính từ thiện như cầu cống, nhà tình nghĩa, cơ sở dưỡng lão; hàng cứu trợ với giá trị vật chất và tinh thần đã được triển khai…
Tính tới cuối năm 2023, riêng TPHCM đã thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…
Tạo điều kiện tốt thu hút nguồn lực kiều bào
Để trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao của Việt Nam, TPHCM cần nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng. Nếu thu hút được chất xám dù chỉ của một phần nhỏ trí tuệ của hơn 6 triệu Việt kiều ở hơn 135 quốc gia sẽ hỗ trợ rất lớn cho phát triển Thành phố.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là những điều kiện cần để TPHCM phát huy tiềm năng, lợi thế.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đây là công cụ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, từ quy hoạch quản lý đất đai, xây dựng đến đầu tư, tài chính, ngân sách, giúp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… của thành phố đông dân nhất cả nước.
Để thu hút nguồn lực kiều bào, Thành phố ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch với những dự án có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên (tương đương 125 triệu USD).
TPHCM cũng chú trọng hơn công tác về người Việt Nam ở nước ngoài; yêu cầu Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM khẩn trương tham mưu, hoàn thiện đề án: "Phần mềm dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài" và đề án "Chính sách thu hút kiều bào trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023 - 2030".
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định: "Thành phố mong muốn bà con kiều bào ở nước ngoài đầu tư về nước với các dự án, công trình lớn tại Việt Nam và TPHCM. Bằng các cơ chế, chính sách, Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tiếp tục đóng góp, hỗ trợ thành phố phát triển".
Để tạo điều kiện thu hút nguồn lực kiều bào, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, các chính sách cần đồng bộ, phù hợp với đặc thù và khả năng của kiều bào. Đặc biệt, vai trò cầu nối của Việt kiều trong ngoại giao, thu hút đầu tư… với các quốc gia cần được phát huy vì đó là thế mạnh. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đa số đều có tình cảm và luôn hướng về đất nước. Kiều bào sẵn sàng đóng góp mọi khả năng, tiềm lực của mình, nhiều khi chỉ cần sự chân thành, cởi mở và ghi nhận sự đóng góp của họ từ quê hương.
Luật Đất đai sửa đổi - cánh cửa sẽ rộng mở hơn
Luật Đất đai sửa đổi quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Cùng với đó, được nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, đây là điểm mới, khác biệt so với Luật Đất đai trước đây. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều. Tuy nhiên, để hiện thực chính sách, rất cần có ngay những văn bản dưới luật phù hợp, cụ thể và kịp thời tháo gỡ vướng mắc.