Hoàn thiện chính sách để nông sản duy trì vị thế xuất khẩu
Từ cú sốc tài chính toàn cầu năm 2008-2009 hay thời điểm COVID-19 và cả trong năm 2023 này thì thấy rất rõ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực về công nghiệp gặp phải vô vàn những khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn ổn định; trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trong các bối cảnh khủng hoảng, xuất khẩu nông sản vẫn là mặt hàng thích ứng tốt nhất so với các ngành hàng khác. Tính hết tháng 11/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 48 tỷ USD với 9 mặt hàng trong nhóm xuất khẩu tỷ đô.
Ở góc độ thương mại toàn cầu, đây là cơ sở cho chúng ta vững tin để có sự đầu tư hơn nữa về cả chính sách cũng như làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách chia sẻ.
"Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì đầu tiên chúng ta phải có kết nối, tăng cường thông tin về thị trường, các yếu tố liên quan đến kỹ thuật, tiêu chuẩn, liên quan đến cả những thị trường phi chính thức.
Chúng ta phải có tài liệu, cẩm nang về những vấn đề mới, về quy chuẩn kỹ thuật mới của thế giới, tiêu chuẩn vệ sinh kiểm tra động thực vật. Chúng ta phải Việt hóa và đơn giản hóa những tài liệu đó để bà con nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và cả doanh nghiệp nâng cao nhận thức.
Ngoài ra, cần phát triển về dịch vụ tư vấn kinh doanh, gắn kết những vấn đề của thế giới với những vấn đề sản xuất kinh doanh trong nước; kết nối, xúc tiến, tham gia các hội chợ thương mại.
Chúng ta cũng phải xây dựng các chính sách về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp có được lợi thế về quy mô cũng như năng lực về công nghệ, tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới.
Thêm nữa, bên cạnh cơ chế tài chính thì chúng ta có thể xây dựng các chính sách tài khóa như thuế. Phải xem xét lại tất cả các loại thuế để giải quyết những mâu thuẫn hoặc lồng nó vào trong chiến lược xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong thời gian tới tốt hơn nữa".