Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển.

Ngày 9/1, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam.

Khơi thông nguồn lực để phát triển

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cụ thể, đối với công tác xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặt ra yêu cầu trong năm 2025 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá"; tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.

Toàn cảnh tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm.

Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.

Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này.

Tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp dân tộc

Phát biểu tại tọa đàm, luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, có nhiều quan điểm về thế nào là doanh nghiệp dân tộc, nhưng theo ông, nên tiếp cận từ góc độ sở hữu của doanh nghiệp.

Nói cách khác, doanh nghiệp dân tộc không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, cũng cần xét tới các tiêu chí về lực lượng lao động; nguyên liệu trong nước; mức độ đóng góp vào nền kinh tế quốc dân; thương hiệu gắn với quốc gia; giảm phụ thuộc với doanh nghiệp nước ngoài.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu một số điều kiện để phát triển doanh nghiệp dân tộc như chính sách hỗ trợ của nhà nước về tài chính, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái nội địa mạnh mẽ, khuyến khích người tiêu dùng nội địa.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, nói đến doanh nghiệp dân tộc là phải đề cập đến những đặc trưng đó là phải do người Việt Nam làm chủ, cổ phần chủ yếu là do người Việt Nam nắm giữ, là người quyết định các đường hướng phát triển của doanh nghiệp.

Đây cũng phải là doanh nghiệp tổ chức được chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, liên kết được các doanh nghiệp trong nước với nhau, tạo ra sản phầm thuần Việt có khả năng cạnh tranh quốc tế. Để các doanh nghiệp dân tộc phát triển, theo ông, cần đổi mới cơ chế chính sách theo hướng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để họ có thể phát triển ngày càng lớn mạnh...

Doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu khẳng định: Nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật. Đồng thời, phải xem lại các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để không có sự chồng chéo, cũng như cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn.

Ông Hiếu cũng cho rằng, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình – vươn mình ở sân chơi quốc tế. Một thành phần của dân tộc rất quan trọng là số người Việt sinh sống ở nước ngoài. Đây là lực lượng rất đáng kể. “Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp có các chương trình để người Việt hội nhập nhiều hơn với quốc gia. Không thể loại trừ khái niệm Việt kiều, doanh nghiệp của người việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài”, ông Hiếu nói.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ khẳng định tính đúng đắn của việc đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc, tuy nhiên ông cũng bày tỏ băn khoăn trong việc xây dựng pháp luật, để các quy định của Việt Nam không vi phạm các nguyên tắc của quốc tế, như nguyên tắc đối xử bình đẳng của WTO.

Theo ông Sỹ, đây thực sự là một cuộc đấu trí tuệ của các nhà làm luật để có chính sách ưu tiên, nhưng không vi phạm WTO. Tuy không thể có một đạo luật riêng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp dân tộc, nhưng có thể đưa quy định về sự hỗ trợ vào tất cả các luật liên quan.

Theo ông, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế...

TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhìn nhận, cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các vấn đề mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt; bảo đảm không gian tự do phát triển thuận lợi nhất để mọi người dân và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân giải phóng mọi tiềm năng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của chính quyền các cấp...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-doanh-nghiep-dan-toc-tai-viet-nam-183037.html