Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 27/3, Thường trực Hội đồng Dân tộc phối hợp với Thành ủy, HĐND TP. Huế tổ chức Hội thảo khoa học 'Chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực trạng và những đề xuất cho dự thảo luật về lĩnh vực dân tộc'.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước.

Kể từ khi đổi mới đến nay, trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành số lượng lớn các văn bản chính sách, pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chính sách, pháp luật này có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với đồng bào các dân tộc.

Theo rà soát của Hội đồng Dân tộc, hiện tại các chính sách liên quan về lĩnh vực dân tộc được quy định trong hơn 90 luật và hàng trăm văn bản dưới luật. Tuy nhiên, chưa có luật riêng, tổng thể, điều chỉnh về các mối quan hệ dân tộc; quy định về đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế đối với những dân tộc còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc.

Mặt khác, các văn bản, chính sách dưới luật về phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy linh hoạt trong điều chỉnh chính sách nhưng tính ổn định không cao, thường tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, cấp bách, xử lý tình huống. Hơn nữa, các chính sách này do nhiều chủ thể ban hành nên thiếu tính đồng bộ, nhỏ lẻ, dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện. Trong khi đó, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng, việc phân bổ nguồn lực còn nhiều bất cập, quá trình thực hiện các chính sách còn rời rạc, dàn trải.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trong bối cảnh mới, tình hình thế giới có những diễn biến khó lường về xung đột sắc tộc, tôn giáo, nảy sinh nhiều quan hệ mang tính đa tầng, đan xen, về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, được biểu hiện dưới góc độ quan hệ giữa nhà nước và công dân là người dân tộc thiểu số, công dân là người dân tộc thiểu số với công dân là người dân tộc đa số...

Những quan hệ này rất cần có văn bản luật để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh đối với các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể, toàn diện về kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc. Từ đó, tạo hành lang, pháp lý điều chỉnh đối với các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể, toàn diện về kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc.

“Hội thảo lần này tập trung thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; sự cần thiết, nội dung, phạm vi dự kiến sẽ đưa vào dự thảo luật các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

Tại Hội thảo, từ góc độ địa phương, Bí thư Thành ủy TP. Huế Lê Trường Lưu chia sẻ, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân được nâng cao; an sinh xã hội được quan tâm, nhất là ở địa bàn miền núi.

Từ những chính sách đã được ban hành, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giảm từ 19,39% xuống còn 10,88% (giảm 8,5%) so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 38 triệu đồng/người/năm, cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện... Năm 2024, huyện A Lưới là một trong những huyện nghèo của cả nước đã được đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều điểm bất cập, hạn chế. Do đó, Hội thảo lần này là diễn đàn quan trọng để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nghiên cứu, trao đổi, phân tích những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân để từ đó đề xuất những kiến nghị giải pháp thiết thực, hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Hội thảo diễn ra trong 1,5 ngày, với 10 bài tham luận chuyên sâu như quan điểm, chính sách cơ bản của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2003 đến nay; chính sách quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực trạng và đề xuất; chính sách đầu tư thương mại vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay, thực trạng và giải pháp thúc đẩy; hiệu lực, hiệu quả các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cho vùng dân tộc và thiểu số, những khuyến nghị và đề xuất; chính sách thúc đẩy phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực trạng và khuyến nghị…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từ đó, Hội thảo đã thảo luận nội dung, phạm vi dự kiến sẽ đưa vào dự thảo luật về lĩnh vực dân tộc./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-39153.html