Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất
Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai là một trong các nội dung được Chính phủ đề ra tại nhóm giải pháp và nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ngày 17/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Mục đích của nghị quyết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18-NQ/TW; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó đề ra giải pháp để các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đạt hiệu quả cao nhất.
Nghị quyết đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Tuyên truyền, giáo dục, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai là một trong các nội dung đáng chú ý được Chính phủ đề ra tại nhóm giải pháp và nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương.
Nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; Rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng; những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
Với các nội dung nêu trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để thể chế nội dung chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi các Luật thuế có liên quan đến đất đai, cụ thể: Rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.