Hoàn thiện cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Một trong những điểm nghẽn của hoạt động khoa học, công nghệ lâu nay là chưa có quy định rõ về cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; trong đó, chấp nhận rủi ro là nội dung được quan tâm và kỳ vọng sẽ giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của nhà khoa học.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, hiểu đơn giản, rủi ro có nghĩa là nhà khoa học sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu theo quy định, nhưng cuối cùng kết quả không như dự kiến, được coi là thất bại.
Quan điểm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được đề cập trong các quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Tại Điều 23, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 có quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; trong đó, có quy định, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 được ban hành, Thông tư 07/2014 hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa đề cập đến các nghiên cứu khoa học có tính rủi ro cao. Tương tự, các thông tư khác cũng chưa có hướng dẫn về quản lý rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Việc chưa có quy định hướng dẫn thực hiện đã gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đình Phương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, lâu nay chúng ta coi đầu tư cho khoa học, công nghệ như đầu tư thông thường, cho nên vẫn đòi hỏi phải có kết quả nghiên cứu tương xứng với kinh phí đầu tư đã bỏ ra.
Tư duy quản lý này không phù hợp, vì đặc thù của khoa học, công nghệ là hoạt động sáng tạo, đi tìm cái mới, và có thể quá trình nghiên cứu không đạt được kết quả đề ra. Đây là vấn đề khách quan và thực tế này trong hoạt động khoa học, công nghệ quốc tế đã chấp nhận.
Để thực hiện quy định hiện hành, nhà khoa học phải đăng ký những chỉ tiêu rất cụ thể trước khi bắt đầu triển khai một đề tài khoa học, từ đó mới được cấp kinh phí tương ứng các chỉ tiêu, nhiệm vụ đó. Do đó, nguồn lực cho nghiên cứu không phù hợp, nhà khoa học phải vất vả với hóa đơn, chứng từ, thủ tục quyết toán và không khuyến khích được nhà khoa học triển khai các ý tưởng sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đình Phương cho rằng, Nhà nước cần sớm tháo gỡ nút thắt này, tất nhiên, nhà khoa học cần cam kết về chất lượng nghiên cứu.
Nhà nước cần sớm tháo gỡ nút thắt này, tất nhiên, nhà khoa học cần cam kết về chất lượng nghiên cứu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đình Phương
Cũng từ những khó khăn tương tự của các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét trình Chính phủ chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm, cần được bảo trợ chính sách của Nhà nước.
Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2022 đã xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò đột phá, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Chiến lược cũng nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, có nội dung đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng đã được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh xuyên suốt những năm vừa qua. Để cụ thể hóa các nội dung trong Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành cấu trúc lại các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia, đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia, với mục tiêu từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng góp thiết thực hơn cho sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội.
Liên quan vấn đề hoàn thiện cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều đó cho thấy, chủ trương này đã được thể hiện xuyên suốt. Luật Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, và dự thảo về quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu được mở rộng hơn so với quy định hiện hành. Trong đó có nội dung miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu gây thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước, hoặc đã thực hiện đầy đủ quy trình nhưng kết quả không đạt thì không phải bồi hoàn kinh phí sử dụng.