Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân.

Ngày 21.3, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra phối hợp với Tạp chí Thanh tra và Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Kế hoạch nghiên cứu Đề tài khoa học độc lập cấp Quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra – TS Nguyễn Quốc Văn, kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: N.A

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: N.A

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho biết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân.

Các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung làm rõ các triết lý, tư tưởng, quan niệm về quyền lực, kiểm soát quyền lực và nhằm phòng chống tham nhũng; thực tiễn vận hành của các cơ chế, thiết chế, phương thức kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam (trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước; trong kiểm soát các thiết chế Nhà nước...) thời gian qua.

GS.TS Võ Khánh Vinh trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: N.A

GS.TS Võ Khánh Vinh trình bày tham luận tại Hội thảo - Ảnh: N.A

Theo GS.TS Võ Khánh Vinh - nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong thời đại ngày nay, pháp quyền là phương thức văn minh nhất được sử dụng để giới hạn quyền lực, trong đó có quyền lực Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực Nhà nước bị giới hạn bởi Hiến pháp và pháp luật.

GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh đó chính là những giá trị cốt lõi của pháp quyền. Giới hạn quyền lực Nhà nước bằng phương thức pháp quyền là một phương thức kiểm soát quan trọng quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về hoàn thiện thể chế, phương thức giới hạn quyền lực nhà nước nhằm góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong bài tham luận của mình, GS.TS Võ Khánh Vinh có nêu lên một số hướng cụ thể.

Trong đó, giới hạn quyền lực nhà nước phải dựa vào, và sử dụng hiệu quả phương thức pháp quyền; tiếp tục hoàn thiện các thể chế pháp luật, thiết chế, phương thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước nói chung, các loại quyền lực nhà nước nói riêng.

Phân định rõ hơn quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước theo hướng đề cao hơn các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp…

Ngoài ra, các tham luận khác cũng tập trung làm rõ khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, bao gồm hình thức kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng; sự cần thiết kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng; mô hình, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng và rút ra những giá trị tham khảo đối với Việt Nam...

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hoan-thien-co-che-kiem-soat-quyen-luc-nham-phong-chong-tham-nhung-194574.html