Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút đầu tư

Quảng Trị hiện có 2 khu kinh tế (KKT) và 3 khu công nghiệp (KCN). Dù còn gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng thời gian qua tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực, từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động.

 Đường vào Khu công nghiệp Nam Đông Hà -Ảnh: M.L

Đường vào Khu công nghiệp Nam Đông Hà -Ảnh: M.L

Hiện các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đều cơ bản được đầu tư về cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống cấp, thoát nước và điện chiếu sáng, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, KKT của Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp tục phát triển. Theo thông tin của Ban Quản lý KKT tỉnh, dù ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng lãnh đạo tỉnh đã đón tiếp, làm việc với nhiều đoàn nhà đầu tư có tiềm lực và triển vọng nghiên cứu đầu tư vào các KCN, KKT Quảng Trị. Số liệu của Ban Quản lý KKT tỉnh cho thấy, năm 2020 toàn tỉnh có 26 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào các KCN, KKT với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12.330 tỉ đồng, đạt 216% so với kế hoạch (26/12 dự án), tăng 70% so với năm 2019 (26/15 dự án) trong đó có 8 dự án khởi công, triển khai xây dựng, đạt 114% so với kế hoạch (8/7 dự án); 6 dự án khánh thành, đưa vào hoạt động, đạt 120% so với kế hoạch (6/5 dự án), ngoài ra còn có 7 dự án chưa hoàn thành nhưng đã đưa vào hoạt động một phần. Lũy kế đến nay tại các KCN, KKT có 172 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 97.404 tỉ đồng, trong đó 108 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 10.135 tỉ đồng, 64 dự án đang xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 87.269 tỉ đồng; có 63 dự án đang nghiên cứu với tổng vốn dự kiến đăng ký đầu tư là 237.090 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào khai thác, sử dụng hầu hết các công trình hạ tầng ở KCN, KKT đến nay đều xuống cấp, hư hỏng, trong khi nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm tương đối ít. Ví dụ như hạ tầng KCN Nam Đông Hà được xây dựng từ năm 2003. Công trình được xây dựng đầu tiên là tuyến đường K1 có chiều dài 1,8 km. Tuy nhiên, do đặc điểm tuyến đường này thường xuyên có xe vận chuyển hàng hóa lớn đi lại, dừng đổ để tập kết hàng hóa ra, vào các doanh nghiệp nên tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng, mặt đường nứt, lún nhiều chỗ; bó vỉa bị bể, hư hỏng nhiều đoạn; hiện trạng tương tự cũng diễn ra ở các tuyến đường K2, K3, K4… KCN Nam Đông Hà.

Cùng với sự xuống cấp của các tuyến đường giao thông thì hệ thống thoát nước ở đây cũng không đảm bảo nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập cục bộ khi có mưa lớn, vừa ảnh hưởng hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường cũng như việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN. Dù nằm vị trí trung tâm thành phố Đông Hà nhưng đến nay hệ thống điện chiếu sáng tại KCN Nam Đông Hà vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, trước đây chỉ có 1/2 tuyến đường K1, 1/3 tuyến đường K3 có đèn chiếu sáng. Tuyến đường K2 là tuyến đường trung tâm KCN nhưng đến năm 2020 mới chỉ đầu tư 17 cột đèn chiếu sáng…

Theo ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng KKT, KCN thuộc Ban Quản lý KKT tỉnh thì không riêng gì KCN Nam Đông Hà mà hiện nay, các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đều ở tình trạng hư hỏng và xuống cấp trong khi nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng KCN, KTT còn ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu sửa chữa các hạng mục thiết yếu. Trước thực trạng này trung tâm đã đề nghị UBND tỉnh bố trí tăng nguồn vốn duy tu, sửa chữa hạ tầng tại các KCN, KKT nhằm tăng hiệu quả các dự án đầu tư vào KCN, KKT, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu phấn đấu của Ban Quản lý KKT tỉnh năm 2021 là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đầu tư trong KCN, KKT tiếp tục hoạt động hiệu quả nhằm tăng 15% tất cả các chỉ tiêu so với năm 2020 như giá trị sản xuất công nghiệp 5.175/4.500 tỉ đồng; nộp ngân sách 299/260 tỉ đồng; duy trì việc làm trên 7.500 lao động với thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, để đạt mục tiêu trên, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và giải ngân 100% vốn bố trí trong năm 2021. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực tiếp tục kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo nhằm tranh thủ sự ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ khi lựa chọn Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo được là 1 trong 8 KKT cửa khẩu trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

Đón đầu chủ trương trên, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, phục vụ thu hút đầu tư, đời sống dân sinh ở Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Xây dựng hoàn thiện Đề án phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavẳn (Lào), trong đó có xây dựng khu phi thuế quan quy mô khoảng 700 ha. Đề xuất ADB tiếp tục tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí trong việc nâng cấp Quốc lộ 9 giai đoạn 3 với việc tạo thêm 2 làn đường để các loại phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi. Đồng thời, xem xét phối hợp với JICA tài trợ vốn để xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà - Lao Bảo kết nối với tuyến đường sắt Đensavẳn - Savannakhet phía bạn Lào, hình thành tuyến đường sắt trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).

Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, chợ biên giới, dịch vụ hậu cần logistics xây dựng khu vực trở thành trung tâm tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên tuyến EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn. Theo tính toán, giai đoạn 2021 - 2025, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo cần nguồn vốn gần 2.000 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục như: San nền và hạ tầng kỹ thuật bãi chờ xuất và khu dịch vụ cửa khẩu Lao Bảo; xây dựng khu phi thuế quan Lao Bảo gồm hệ thống đường giao thông nội bộ, san nền và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực này.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156079&title=hoan-thien-ha-tang-cac-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-de-thu-hut-dau-tu