Hoàn thiện hạ tầng cho ngành giáo dục
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và đẩy mạnh triển khai chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), TP. Huế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), hạ tầng trường lớp, xứng đáng là lá cờ đầu trong lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh.
Hoàn thiện cơ sở vật chất
Là một trường học thuộc địa bàn TX. Hương Trà sáp nhập vào TP. Huế từ tháng 7/2021, Trường mầm non Hương Hồ (Cơ sở Long Hồ Hạ) có địa chỉ tại số 148 Văn Thánh, phường Hương Hồ xuống cấp và thiếu phòng học, trong khi nhu cầu học tập và gửi trẻ của phụ huynh trên địa bàn ngày càng nhiều.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Diễm Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Hồ, Cơ sở Long Hồ Hạ có 8 phòng học với số lượng trẻ 175 cháu (từ 24 - 72 tháng tuổi). Do xây dựng khá lâu nên hiện trường thiếu toàn bộ sân chơi, bãi tập, khu bếp ăn, phòng chức năng… đảm bảo tiêu chuẩn và gặp nhiều khó khăn trong dạy và học.
Mới đây, HĐND TP. Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (DA) Trường mầm non Hương Hồ (Cơ sở Long Hồ Hạ) nhằm hoàn thiện hạ tầng đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng và lớp học đáp ứng nhu cầu dạy, học tại địa phương, góp phần cải tạo bộ mặt kiến trúc và không gian quy hoạch của phường Hương Hồ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 17,2 tỷ đồng.
Để hoàn thiện hạ tầng các cơ sở trường học ở khu vực phía nam, TP. Huế chuẩn bị triển khai DA đầu tư CSVC tại Trường tiểu học Dương Nổ (giai đoạn 2) đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng và lớp học đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần cải tạo bộ mặt kiến trúc và không gian quy hoạch của xã Phú Dương. Trong đó, xây dựng mới các khối nhà 2 tầng gồm các phòng học, phòng hiệu bộ, phòng chức năng, thư viện, nhà đa năng và bếp cùng các hạng mục bổ trợ như nhà xe, hàng rào, chỉnh trang sân vườn…; bổ sung thiết bị giảng dạy và học tập đảm bảo nhu cầu sử dụng. Dự án có tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng, thời gian xây dựng trong vòng 3 năm.
Năm học 2024 - 2025, đầu tư CSVC trường, lớp phục vụ cho việc nâng cao chất lượng GD toàn diện tiếp tục được thành phố tăng cường. Trong đó, các trường học đã được thành phố cấp kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị lớp 5 và lớp 9 thực hiện chương trình GD phổ thông 2018 với tổng kinh phí 33,55 tỷ đồng và bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị năm 2024 với tổng kinh phí 12,98 tỷ đồng cùng với nhiều công trình, DA quan trọng khác từng bước đảm phục vụ tốt công tác dạy và học.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục
Năm 2025, trên cơ sở thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa, thành phố Huế tiếp tục thúc đẩy đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy học, đồng thời tăng cường kiểm tra đánh giá và đổi mới công tác hành chính. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án về phát triển GD&ĐT; thực hiện tốt mục tiêu phổ cập và củng cố, nâng cao chất lượng GD toàn diện và chất lượng mũi nhọn, tập trung nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh; tăng cường GD trải nghiệm, GD di sản văn hóa Huế cho học sinh.
Để triển khai các nội dung trên, ngành GD&ĐT thành phố triển khai hiệu quả Đề án phát triển GD&ĐT TP. Huế giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT thành phố. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình GD mầm non và GD phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GD giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, nhiệm vụ quan trọng của ngành GD&ĐT thành phố là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý ngành GD, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong quản lý ngân sách, tài sản công... góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.