Hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động

Xu hướng số hóa đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế và thị trường lao động. Trong bối cảnh kết nối cung - cầu lao động còn nhiều khó khăn, dữ liệu thông tin về thị trường lao động còn hạn chế, việc sửa đổi Luật Việc làm chính là cơ hội, tiền đề quan trọng để xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về hệ thống thông tin thị trường lao động, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dữ liệu thị trường lao động cần được công khai để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác, kết nối cung - cầu hiệu quả. Ảnh: ST

Dữ liệu thị trường lao động cần được công khai để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác, kết nối cung - cầu hiệu quả. Ảnh: ST

Dữ liệu thông tin thị trường lao động phải trở thành công cụ kết nối cung - cầu

Nghị quyết số 42-NQ/TW năm 2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đề ra nhiệm vụ, giải pháp: "Hiện đại hóa, chuyển đổi số trong thông tin dự báo thị trường, kết nối cung - cầu, quản lý nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm". Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (khái niệm, chức năng, nguyên tắc xây dựng); sửa đổi, bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách…

Mục tiêu chính của hệ thống thông tin là cập nhật tất cả các thông tin của lao động để nhà tuyển dụng dễ dàng khai thác được thông tin này nhằm tuyển dụng dễ dàng hơn cũng như người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm tốt hơn. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của ĐBQH để làm sao bảo đảm tốt hơn cả về nguồn thông tin cũng như chia sẻ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, sự chuyển đổi mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi nhanh chóng thị trường việc làm, đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý phải tăng cường giải pháp, cơ chế điều tra, thống kê, cập nhật nhu cầu nhân lực... Trong đó, cơ sở dữ liệu thị trường lao động giữ vai trò cốt yếu trong phân tích, đánh giá, dự báo nguồn cung - cầu lao động để có cơ sở định hướng cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, dữ liệu thông tin về thị trường lao động chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác; việc chia sẻ dữ liệu dùng chung liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm giữa các Bộ, ngành, cơ quan thống kê, cơ quan nghiên cứu còn hạn chế…

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre) đánh giá, dữ liệu thị trường lao động được hình thành và cập nhật hằng năm, huy động nhiều nhân lực thực hiện, tốn khá nhiều kinh phí. Thế nhưng, việc sử dụng dữ liệu này chỉ mới dừng lại ở phạm vi đánh giá, dự báo mà chưa thực sự được sử dụng để kết nối cung - cầu lao động, định hướng nguồn nhân lực một cách hiệu quả. “Riêng lao động và người sử dụng lao động đều không sử dụng, thậm chí họ không biết dữ liệu này để làm gì” - đại biểu nói.

Vì vậy, các đại biểu kỳ vọng, trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu thông tin thị trường lao động không chỉ là cung cấp con số cho các cơ quan quản lý mà phải chuyển thành dữ liệu nhằm kết nối việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động; là nơi các cơ sở đào tạo trong nước có thể khai thác được thông tin cung và cầu để định hướng cho đào tạo nghề… “Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải đáp ứng được các yêu cầu hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí, làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất chính theo tinh thần Nghị quyết số 57” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Dữ liệu thị trường lao động phải được công khai tối đa, dễ dàng khai thác

Từ yêu cầu trên, nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần quy định về thông tin thị trường lao động chặt chẽ hơn, khắc phục những bất cập đã nhận diện từ thực tiễn, khẩn trương chuyển đổi từ phương pháp thực hiện đến việc ứng dụng triệt để, khai thác tài nguyên từ hệ thống dữ liệu này.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, Dự thảo Luật đang thiên về xây dựng một hệ thống thông tin thị trường lao động tập trung do Nhà nước quản lý, chưa kết nối với các nền tảng việc làm tư nhân, nơi có nhiều dữ liệu phong phú về cung - cầu lao động… Đại biểu đề nghị cần hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động, trong đó bổ sung nguyên tắc mở dữ liệu, bảo đảm dữ liệu thị trường lao động được công khai tối đa để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác thông tin, phân tích xu hướng việc làm, qua đó kết nối cung - cầu hiệu quả hơn. “Cần bổ sung quy định khuyến khích các nền tảng việc làm tư nhân kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia. Điều này sẽ hình thành một hệ sinh thái số thông suốt giữa khu vực công và tư, phát huy sức mạnh toàn xã hội trong tạo việc làm” - đại biểu Trần Văn Khải đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) và một số đại biểu đề xuất bổ sung quy định về tích hợp công nghệ AI, dữ liệu lớn để dự báo lao động nhằm nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động. Hệ thống thông tin về thị trường lao động cũng cần được cập nhật dữ liệu theo thời gian thực để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với hệ thống dữ liệu về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục nghề nghiệp. “Cần làm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối, tránh tình trạng dữ liệu rời rạc, không đồng bộ. Đồng thời, bổ sung cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng dữ liệu, bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch” - đại biểu Thạch Phước Bình lưu ý.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động…trong việc phối hợp vận hành, quản lý hệ thống thông tin thị trường lao động; đồng thời có cơ chế, chế tài đối với các đơn vị không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin. “Thị trường lao động cần phải có thông tin đúng, đủ, sạch, sống. Nếu không quy định bắt buộc người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ các thông tin thì hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm không hiệu quả, người lao động dễ bị trục lợi do thiếu thông tin” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) chỉ rõ. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định phân quyền cho địa phương khai thác hệ thống thông tin thị trường lao động, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách cũng như phân tích, dự báo thị trường lao động và hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường lao động tại địa bàn./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hoan-thien-ha-tang-so-cua-thi-truong-lao-dong-39237.html