VN-Index tiếp tục giảm sâu, mất mốc 1.200 điểm, sàn 200 tỷ USD hút tiền
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu. Chỉ số VN-Index rớt thêm hơn 50 điểm và mất mốc 1.200 điểm sau khi trải qua phiên giảm lịch sử 88 điểm trước đó. Giao dịch tiếp tục bùng nổ với lực bắt đáy lớn.
Vào lúc 9h30' ngày 4/4, chỉ số VN-Index giảm 70 điểm, xuống ngưỡng 1.160 điểm. Trong phiên liền trước, chỉ số này giảm gần 88 điểm (tương đương giảm 6,68%).
Các cổ phiếu chủ chốt nhóm VN30 hầu hết giảm mạnh, trong đó có các mã giảm sàn như: BCM, BVH, FPT, GAS, GVR, PLX. Chỉ có SSB tăng điểm. Tuy nhiên, sức cầu bắt đáy mạnh, thanh khoản lên cao.
Sau đó, một số mã trụ cột tăng trở lại như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Sacombank (STB) và SSB. Cổ phiếu Vinamilk (VNM) cũng chuyển sang màu vàng, đứng giá.
Áp lực bán mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng lên toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Theo đó, Nhà Trắng tuyên bố mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Thị trường chứng khoán giảm manh phản ánh sự bi quan của nhà đầu tư sau quyết định thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh đó, theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán, là do hoạt động bán giải chấp, call margin và hoạt động call chéo tại các công ty chứng khoán - bán cổ phiếu khác của khách hàng khi cổ phiếu cầm cố không bán được.
Tuy nhiên, thanh khoản tăng vọt trong phiên VN-Index giảm lịch sử gần 88 điểm hôm 3/4 và mức giao dịch lên tới gần 19 nghìn tỷ đồng trong khoảng tiếng rưỡi đầu giờ sáng ngày 4/4 cho thấy hoạt động bắt đáy cũng rất mạnh.

Ông Trump công bố sẽ áp thuế cao lên nhiều nước. Ảnh: MNB
Tới 10h37, chỉ số Vn-Index giảm 34 điểm, xuống 1.196 điểm. Đến 10h58 phút, chỉ số này giảm 39 điểm, xuống 1.190 điểm
Mức thuế 46% mà ông Trump công bố áp thuế lên hàng Việt Nam mới là dự kiến, theo kế hoạch có hiệu lực từ 9/4. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump vẫn mở cửa để đàm phán với các nước.
Hiện các ngành dệt may, điện tử, giày dép và đồ gỗ chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, đây là nhóm được đánh giá chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mức thuế cao nếu Mỹ áp dụng.
Trên thực tế, chính sách thuế quan của ông Trump thường mang tính chất “công cụ đàm phán” hơn là chính sách cố định. Điều này có nghĩa là mức thuế cao như công bố (46%) có thể chỉ là “mức trần” để gây áp lực, sau đó giảm xuống qua thương lượng.
Việc áp mức thuế cụ thể là bao nhiêu còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán trong những ngày tới.
Nếu Mỹ áp thuế cao với nhiều nước, nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu tăng lên. Đây cũng là một yếu tố đi ngược lại với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đem lại thịnh vượng cho người dân Mỹ của ông Trump.
Với chứng khoán Việt Nam, thị trường thường nhạy cảm với các biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những thay đổi trong quan hệ thương mại với Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu đóng góp khoảng 85% GDP Việt Nam, nên bất kỳ chính sách thuế quan nào từ Mỹ cũng có thể gây ra những tác động đáng kể.
Ở chiều ngược lại, kịch bản tích cực là Việt Nam có thể tận dụng cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng sang các thị trường khác (EU, Nhật Bản) thông qua các hiệp định như EVFTA, CPTPP. VN-Index có thể phục hồi về dài hạn.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn-index-tiep-tuc-giam-sau-mat-moc-1-200-diem-2387824.html