Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động
Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, nhiều ý kiến đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động và cán bộ công đoàn các cấp mong muốn có giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2023), chiều ngày 28/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức với sự tham dự của 500 cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động ở tất cả các tỉnh/thành, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 50 triệu người lao động cả nước.
Diễn đàn thảo luận 2 nhóm vấn đề lớn
Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động là chủ thể rất quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật. Việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan có dịp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Từ thực tiễn lao động, làm việc, cuộc sống, phát huy tinh thần của người lao động, trách nhiệm, dân chủ và thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn.
Một là, những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của công chức, viên chức, người lao động nhằm tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lao động, việc làm, sinh kế, đời sống và thu nhập của người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là những vấn đề thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực thi pháp luật và cũng là trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Hai là, các kiến nghị, đề xuất về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới để ngày càng đáp ứng được yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước, nhất là yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn...
Hơn 4500 ý kiến về 45 vấn đề lớn được gửi đến Diễn đàn
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động.
Sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp từ báo cáo của 79/82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.
Trong đó, các vấn đề được đoàn viên, người lao động quan tâm nổi lên một số vấn đề: nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân; sinh hoạt văn hóa, thể thao; việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc...
"Nóng" vấn đề nhà ở cho công nhân, bảo hiểm xã hội, tinh giản biên chế
Theo TTXVN, liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở. Một trong những nội dung được sửa đổi quan trọng của Luật là chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân lao động ở khu công nghiệp. Dự án Luật cũng có đề cập đến có chính sách nhà lưu trú cho công nhân.
Đây là chính sách mới, trước đây chưa triển khai và chủ trương về phát triển đô thị có quy định về chính sách riêng hỗ trợ xây dựng nhà ở công nhân coi đây là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở Kỳ họp thứ 6.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để người lao động đảm bảo về chỗ ở, cần quan tâm đến 3 hình thức: nhà để bán; nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và nhà thuê - mua. Việc này vừa giải quyết được vấn đề chỗ ở của công nhân và người thân của họ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính phủ đã trình chủ thể có thể đứng ra làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, tuy nhiên liên quan đến nhiều chính sách, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Đất đai, chính sách khác, có nhiều ý kiến còn khác nhau sẽ tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ kỹ lưỡng… Các dự án Luật sẽ được Quốc hội quyết định một lần trong tháng 10/2023, hy vọng sẽ được giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.
Nội dung về bảo hiểm xã hội cũng được các đại biểu tập trung cho ý kiến. Trả lời về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8 tới, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét với tinh thần chung là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn mới đây là tập trung chỉnh sửa những bất cập và mở hướng phát triển bảo hiểm linh hoạt đa tầng, đồng thời tăng quyền lợi của người lao động.
Đối với giải pháp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo trình với Thường vụ Quốc hội các phương án khác nhau theo hướng vừa đảm bảo an sinh xã hội đồng thời đảm bảo cho người lao động khi thật sự cần thì vẫn có thể rút nhưng phải hài hòa, đồng thời cũng có chính sách đảm bảo cho người lao động không cần rút bảo hiểm xã hội một lần mà vẫn có chính sách bù đắp hỗ trợ khi khó khăn.
Về chính sách tinh giản biên chế, một số ý kiến cho rằng có lúc, có nơi, việc triển khai thực hiện chưa đảm bảo mục tiêu giảm, nơi thừa và người yếu. Có cơ quan, trường học còn thiếu nhân lực, cần biên chế mà vẫn phải giảm, không được tuyển mới, dẫn đến áp lực công việc cho các công chức, viên chức rất lớn.
Trả lời về nhóm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường cho biết, hiện nay, một số nơi đang xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và thoái thác công việc… Giải quyết vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện chấn chỉnh. Bộ Nội vụ đã phối hợp cơ quan chức năng xây dựng các nghị định, quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để khích lệ, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, các bộ, ngành cần thực hiện các chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Chính phủ đẩy mạnh, rà soát chính sách, nhất là lĩnh vực kinh tế, xã hội còn phát sinh, còn khó khăn vướng mắc…
Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, đây là chủ trương lớn của Trung ương và Bộ chính trị. Thời gian vừa qua, việc tinh giản biên chế được triển khai từ năm 2015 và có nhiều quy định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ…
Từ 2015, triển khai tinh giản biên chế, về cơ bản đạt yêu cầu theo mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, khi tổng kết, đánh giá lại chưa đạt được chất lượng việc tinh giản, như chưa giảm được những cán bộ, công chức, viên chức kém chất lượng…
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả; sắp xếp thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao chất lượng hoạt động và mức độ tự chủ về tài chính.
Đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động
Trả lời về vấn đề giảm giờ làm cho người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động không phải là vấn đề mới. Bộ luật Lao động trước đây đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần, tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ là khuyến khích chủ sử dụng lao động áp dụng. Điều này cũng là trăn trở của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan quản lý lao động cũng như Ủy ban Xã hội.
Hoan nghênh tổ chức Công đoàn thông qua Thỏa ước lao động tập thể, khuyến khích người sử dụng lao động giảm thời gian lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần và đã có công đoàn cơ sở ký kết được thỏa ước này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị công đoàn các cấp tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc giảm thời gian làm việc trong tuần của người lao động; quan tâm hơn nữa về vấn đề thời giờ làm việc, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện giảm giờ làm cho người lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có năng suất lao động; đồng thời khuyến khích tổ chức Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn Công đoàn cơ sở tiếp tục quan tâm đến Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội quan tâm giám sát từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện, bảo đảm hạ tầng xã hội gần doanh nghiệp, có đầy đủ trường học, nơi khám chữa bệnh và các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân; thúc đẩy việc giảm giờ làm cho người lao động.
Liên quan đến cải thiện đời sống tinh thần của công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, những năm qua, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho đoàn viên, người lao động, thì việc chăm lo đời sống tinh thần cũng được tổ chức công đoàn đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục.
Quốc hội sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận kiến nghị của người lao động
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, các ý kiến đã phản ánh sát đúng tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của đoàn viên, người lao động trên cả nước; những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến đoàn viên, công nhân, người lao động còn băn khoăn, bức xúc.
Các ý kiến cũng phản ánh thực tiễn thi hành và góp ý sâu sắc, cụ thể mong muốn của công đoàn, người lao động đối với các dự án Luật liên quan mật thiết, “sát sườn” đến quyền và lợi ích của người lao động như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…
Đối với những vấn đề bất cập, bức xúc mà cử tri nêu tại Diễn đàn Người Lao động 2023 - cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành tổng hợp, tiếp thu, khẩn trương giải quyết, nhất là trong 45 nhóm vấn đề lớn từ hơn 4500 ý kiến được tổng hợp gửi đến Diễn đàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại Diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện các nội dung kiến nghị về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động phải được giải quyết một cách triệt để.
Bên cạnh một số vấn đề kiến nghị đã thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, một số vấn đề khác chưa có trong chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất để nếu thấy cần thiết thì báo cáo với Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đã thông tin đến các đoàn viên, công nhân, người lao động về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết đã được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV. Đây là nỗ lực, quyết tâm đổi mới của Quốc hội nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, gắn việc xây dựng, ban hành pháp luật và tổ chức thực thi, để mỗi chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động nói riêng sẽ thực sự đi vào cuộc sống, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.